Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng: “Gác cửa nền kinh tế” và góp phần ổn định vùng biên Cao Bằng
Xác định thu ngân sách nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Hải quan, thời gian qua, với vai trò là “người gác cửa nền kinh tế”, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, luôn làm tròn nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Hải quan Cao Bằng.
Trên bàn là số lượng lớn công việc còn dang dở, đồng chí Hoàng Văn Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng vẫn niềm nở đón tiếp chúng tôi. Khi được hỏi về những hoạt động của đơn vị trong thời gian qua, đồng chí chia sẻ: Trong 2 năm 2020, 2021 đối với đơn vị là những năm thành công nhất về ý chí và tinh thần vượt khó, vươn lên.
Trước những khó khăn, thách thức, đặc biệt là kể từ khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất nhập khẩu và đời sống tinh thần tập thể đơn vị, Chi cục Hải quan Cửa khẩu luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, sát sao của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp của các đơn vị đóng trên trên địa bàn, nên từng bước khắc phục khó khăn và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng đã xây dựng các kế hoạch công tác, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022, các kế hoạch định hướng của Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng và các phòng chức năng của Cục; thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Cao Bằng. Nhờ đó, hoạt động xuất nhập khẩu qua Chi cục luôn diễn ra thuận lợi và tăng so với cùng kỳ năm 2021. Công tác chống buôn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại địa bàn kiểm soát hải quan được tăng cường quản lý, không để xảy ra tình hình buôn lậu trên địa bàn nổi cộm, phức tạp.
Hiện trên địa bàn Chi cục quản lý có 76 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã giải quyết 1.055 tờ khai hải quan. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 258.252.001 USD, tăng 299% so với cùng kỳ năm 2021; đạt 161% so với chỉ tiêu giao (160 triệu USD).
Với mong muốn thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, Chi cục đã phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại áp dụng chương trình nộp thuế điện tử, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nộp các khoản thuế, phí theo quy định. Đặc biệt, triển khai hiệu quả "Dịch vụ công trực tuyến" và thực hiện Đề án "Nộp thuế điện tử và thông quan 24/7" đã tạo đột phá trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Số thu trong kỳ báo cáo từ 01/01/2022 đến hết 15/5/2022, Chi cục đạt 1.244.583.740.883 đồng. Luỹ kế từ đầu năm 2022 đạt 1.244.583.740.883 đồng, tăng 2.021,76% so với cùng kỳ năm 2021; đạt 1.117,22% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, đạt 1.069,23% chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Với kết quả này, Chi cục là đơn vị có mức thu ngân sách nhà nước lớn nhất trong toàn Cục.
Đặc biệt trên "mặt trận" chống buôn lậu, đơn vị đã phát huy vai trò xung kích, luôn chủ động chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại địa bàn; thực hiện tốt công tác phối kết hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới và cửa khẩu luôn ổn định.
Chia sẻ thêm về những thành tích mà đơn vị đã đạt được trong những tháng đầu năm, đồng chí Hoàng Văn Hà cho biết: "thời gian qua song song với việc bắt tay thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng và các tổ chức đoàn thể trong đơn vị còn thực hiện nhiều chương trình đền ơn đáp nghĩa, các phong trào thiện nguyện để hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn".
Mới đây nhất, nhằm phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc, mỗi cán bộ chi cục đã đồng lòng chung tay đóng góp một ngày lương, với số tiền thu được là 70 triệu đồng gửi vào tài khoản của UBND huyện Quảng Hòa để ủng hộ sửa chữa nhà cho 2 hộ đặc biệt khó khăn của xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Hay trong quãng thời gian cả nước đang gồng mình chống đại dịch COVID-19, tinh thần hướng về cộng đồng được đẩy lên cao nhất bằng nhiều hành động thiết thực, Chi cục đã tích cực vào cuộc chung tay góp sức, ủng hộ vật chất và tinh thần hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, cùng người dân đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an toàn cuộc sống.
Những hoạt động đẹp, ý nghĩa này của đơn vị đã được duy trì và thực hiện tốt trong nhiều năm liền. Để có được những hoạt động tích cực đó, Chi cục đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong triển khai các hoạt động phong trào, chủ động trong việc xây dựng các kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm theo năm và theo từng tháng phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của đơn vị. Đặc biệt, các hoạt động đều hướng đến cộng đồng khi được phát động, do đó, đã tạo được những hiệu ứng tích cực bằng sự đồng thuận tham gia nhiệt tình của tất cả các cán bộ, tạo sự thành công chung của phong trào và khẳng định sự đoàn kết của đơn vị.
Trong thời gian tới, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng xác định phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan và tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Cùng với việc đẩy mạnh các giải pháp, nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu ngân sách, Chi cục sẽ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi tiếp nhận những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp, tháo gỡ kịp thời, báo cáo Cục Hải quan Cao Bằng, UBND tỉnh những vướng mắc, kiến nghị vượt thẩm quyền. Qua đó củng cố niềm tin, sự hài lòng của những doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.
Vượt qua những khó khăn, thử thách cùng cả nước trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, bằng quyết tâm, nỗ lực triển khai xuất sắc nhiều nhiệm vụ công tác, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng đã và đang có những bước đi vững chắc để hình thành một nền hải quan hiện đại, chuyên nghiệp, trong sạch, vững mạnh, giữ vững vai trò là "người gác cửa nền kinh tế", hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của địa phương và đất nước.
Trịnh KiênTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.