Chi cục Kiểm Lâm Thái Nguyên: Giữ màu xanh cho rừng

Địa phương
03:33 PM 03/06/2021

Thái Nguyên được biết đến là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, nơi còn lưu giữ được hệ sinh thái đa dạng và độ che phủ rừng cao. Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các ngành chức năng, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã làm tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã quán triệt sâu sắc nhiệm vụ chính trị tới toàn lực lượng, xây dựng các kế hoạch, phương án quản lý bảo vệ rừng. Với tinh thần chủ động, đoàn kết, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ, trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng Kiểm lâm Thái Nguyên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 2021 là  năm có nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Lực lượng Kiểm lâm Thái Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, làm tốt công tác tuyên truyền, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy, duy chì chế độ trực phòng cháy 50% quân số khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp III và 100% quân số khi dự báo cháy rừng ở cấp IV và V.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ rừng. Đặc biệt, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã vận động nhân dân trồng thí điểm nhiều mô hình cây dược liệu, cây lấy gỗ tại các huyện như: Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai… giúp nhân dân phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo được sự đồng thuận của người dân.

Chi cục Kiểm Lâm Thái Nguyên: Giữ màu xanh cho rừng - Ảnh 1.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ trong một lần kiểm tra thực địa.

Đại Từ là huyện có diện tích đất tự nhiên tương đối lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với 57.790,3 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 29.542,6 ha, đất rừng đặc dụng 8.757,6 ha (do Vườn quốc gia Tam Đảo quản lý theo quy chế quản lý rừng đặc dụng). Đất rừng sản xuất gồm 14.782,23 ha, nằm ở các xã trong toàn huyện. Diện tích này đang được các hộ gia đình, cộng đồng dân cư, UBND các xã quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. 

Ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ cho biết: "Để làm tốt công tác bảo vệ rừng thì việc đảm bảo sinh kế cho người dân tại khu vực có rừng tự nhiên là vấn đề then chốt. Bởi nếu cuộc sống của người dân được đảm bảo thì chính họ là những người giữ rừng tốt nhất".

Năm 2020 và 2021, Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ đã tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia trồng rừng gỗ lớn để nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Năm 2020, huyện trồng được 180 ha rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ và 20 ha trồng rừng sản xuất gỗ lớn. Năm 2021, đang thực hiện trồng rừng sản xuất gỗ lớn khoảng 180 ha.

Để người dân phát triển kinh tế từ rừn, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ đã tổ chức trồng cây dược liệu thí điểm tại một số xã như: Quân Chu, Tân Linh cho kết quả tốt. Hay mô hình nông lâm kết hợp tại một số trang trại, trồng rừng kết hợp cây ăn quả, cây chè hoặc cây đặc sản cho thu nhập bình quân từ 75 triệu/ha đến 130 triệu/ha.

Một trong những thành công của việc bảo vệ rừng tại Thái Nguyên đó là làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Kiểm tra xử lý vi phạm là việc làm thường xuyên, liên tục của lực lượng Kiểm lâm Thái Nguyên. Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, chúng tôi đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tổ chức nhiều đợt cao điểm kiểm tra, truy quét các đối tượng vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng. Qua các đợt truy quét của lực lượng kiểm lâm đã làm giảm cả về số vụ vi phạm, đối tượng vi phạm, không còn điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản trên địa bàn tỉnh".

Với các giải pháp thực hiện đồng bộ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong năm 2021, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên sẽ tăng cường lực lượng tuần tra bảo vệ rừng tại gốc, quản lý chặt chẽ các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra hoạt động của Kiểm lâm địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ở cơ sở. Đồng thời kiểm tra giám sát khai thác rừng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tài nguyên rừng, đảm bảo cập nhật đầy đủ các nguyên nhân biến động về rừng và đất lâm nghiệp.

Hy vọng rằng, với các giải pháp cụ thể, đồng bộ lực lượng Kiểm lâm Thái Nguyên sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tất cả vì sự bình yên cho mỗi cánh rừng.

Quang Hưng
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.