Chỉ dẫn địa lý - bước đệm cho thương hiệu các sản vật địa phương

Kinh doanh
09:58 AM 21/07/2022

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

Đồng hành cùng nông dân trong phát triển thương hiệu

Việt Nam được biết đến là quốc gia thuộc top đầu trong xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản. Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội và những biến động do dịch bệnh, địa chính trị thế giới đã đẩy vấn đề an ninh lương thực lên vị trí được quan tâm hàng đầu. Trong nước, Chính phủ Việt Nam khẳng định nông nghiệp là nền tảng, là bệ đỡ trong phát triển kinh tế quốc gia. Hằng năm, nông - lâm - thuỷ sản đóng vai trò chủ chốt trong kim ngạch xuất khẩu và là nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Ngoài các sản phẩm chủ lực như gạo, tiêu, hạt điều, cà phê… những năm gần đây các loại quả đang tạo nên vị thế mới trên thị trường quốc tế cho nông sản Việt như vải, xoài, nhãn, chôm chôm…

Chỉ dẫn địa lý – bước đệm cho thương hiệu các sản vật địa phương - Ảnh 1.

Cà phê là một trong những nông sản xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam. Ảnh: IT

Để tạo động lực và thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất, sử dụng đất, mặt nước trong đầu tư nông nghiệp; hỗ trợ chuyển giao công nghệ; hỗ trợ vay vốn…

Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới cũng là một trong những quyết sách khác được Chính phủ triển khai giúp nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn qua các tiêu chí, từ đó thay đổi diện mạo những làng quê. Để nâng tầm thương hiệu của các sản vật làng quê Việt, chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP được hình thành và đồng hành cùng người nông dân trong phát triển thương hiệu.

Chỉ dẫn địa lý – bước đệm cho thương hiệu các sản vật địa phương - Ảnh 2.

Chương trình OCOP là quyết sách giúp thương hiệu làng quê được đầu tư bài bản, chỉn chu. Ảnh: IT

Đi đầu trong phát triển thương hiệu địa phương là Quảng Ninh, Đồng Nai… với sản phẩm chè hoa vàng Ba Chẽ, trứng gà Tân An, ca cao Trọng Đức… Theo đó, Ban chỉ đạo OCOP các địa phương đã tích cực phổ biến chính sách, tuyên truyền và hướng dẫn bà con quy cách đóng gói, tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc… từng bước củng cố sức mạnh thương hiệu.

Gắn nhãn địa lý - "giấy thông hành" cho sản phẩm Việt

Thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Mê Thuột, vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, xoài cát Hoà Lộc…  nông sản Việt thường gắn liền với một địa danh vừa thể hiện đặc thù về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, vừa để thể hiện lòng tự hào về vùng quê, xứ sở với những sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi.

Chỉ dẫn địa lý góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm bởi tâm lý chung của khách hàng khi quyết định mua sắm, lựa chọn một sản phẩm là dựa vào sự uy tín và mức độ nổi tiếng của sản phẩm đó. Mà thực tế chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ sẽ mang đến cảm giác an toàn và hạn chế tối đa các tình trạng làm giả, làm nhái, hàng kém chất lượng.

Chỉ dẫn địa lý – bước đệm cho thương hiệu các sản vật địa phương - Ảnh 3.

Chỉ dẫn địa lý giúp vải Lục Ngạn dễ dàng tiếp cận các thị trường có yêu cầu cao. Ảnh: Báo Lao động

Thêm vào đó, chỉ dẫn địa lý đã được cấp văn bằng bảo hộ sẽ được sử dụng độc quyền vô thời hạn trước pháp luật. Các bên khác khi sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu được coi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Năm 2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, Việt Nam được phía EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý, đây là cơ hội hớn cho sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. Hiện tính đến tháng 11/2021, Việt Nam có 110 sản phẩm được gắn chỉ dẫn địa lý, trong khi đó, các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế gồm 173 sản phẩm, cụ thể: Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) gồm 169 sản phẩm; Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) gồm 4 sản phẩm.

Có thể đánh giá, chỉ dẫn địa lý giúp sản phẩm có thương hiệu chinh phục tốt thị trường nội địa với gần 10 triệu dân và cũng chính là "giấy thông hành" cho nhiều sản phẩm thương hiệu Việt tiếp cận với thị trường có yêu cầu cao như EU, Nhật Bản… Chung tay cùng các cấp ngành, và địa phương trong việc phát triển các thương hiệu, gắn nhãn địa lý, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đóng vài trò như sứ giả kết nối, truyền tải thông tin và khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm được gắn nhãn chỉ dẫn địa lý.

Ban Biên tập chương trình truyền hình Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Phát sóng 17h20 từ thứ 2 đến thứ 5 & thứ 7 hàng tuần trên VTV1

Email: thuonghieuviet@taj.vn

Hotline: 0858.66.88.58

Website: http://www.vietrade.gov.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/ThuonghieuQuocgiaVN2021

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCdca2u9Jdqp9feziW3w_YAw

PV
Ý kiến của bạn