Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai: Tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

Địa phương
07:30 PM 20/09/2022

Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới. Từ điểm xuất phát kinh tế thấp, sản xuất nông nghiệp mang tính tự túc, tự cấp là chủ yếu. Trong những năm gần đây đang là một trong những địa phương có quyết tâm và khí thế vươn lên xây dựng quê hương vững mạnh, làm giàu cho đất nước nhờ những đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước thông qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai.

Luôn bám sát định hướng, đường lối đã được đề ra trong việc hoạch định và thực hiện các chính sách phục vụ cho công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, với những kết quả mà các chương trình tín dụng chính sách xã hội mang lại trên địa bàn tỉnh trong 20 năm qua, cùng với sự quan tâm, ghi nhận, đánh giá cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân về hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đã tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, là những minh chứng rõ nét để khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi với thực tiễn kinh tế - xã hội và nhu cầu vay vốn của Nhân dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; ghi nhận vai trò của tín dụng chính sách có tác động tích cực, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, tập trung phát triển nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trong những năm qua NHCSXH tỉnh Lào Cai cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.

Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai: Tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Hải Hà - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai

Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, NHCSXH đã kế thừa, xây dựng và phát triển trên nền tảng của mô hình tổ chức Ngân hàng phục vụ người nghèo với phương châm: Tổ chức bộ máy quản lý, điều hành gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí, xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách để "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", đảm bảo vốn tín dụng chính sách của Chính phủ được quản lý chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng được thụ hưởng. Mô hình quản lý và điều hành, tổ chức hoạt động của NHCSXH thống nhất trên phạm vi cả nước, hệ thống giao dịch từ trung ương đến địa phương.

Sau 20 năm thực hiện, có thể khẳng định chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là đúng đắn, hợp lòng dân, là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Với chính sách ưu đãi về lãi suất, thời hạn cho vay, quy trình thủ tục vay vốn đơn giản, hộ vay được miễn lệ phí, cho không thủ tục vay vốn, không phải thế chấp tài sản khi vay vốn đã tạo cơ hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ một cách nhanh chóng và thuận lợi.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 453.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 còn 5,31%. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo công bằng xã hội, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống Nhân dân. Đặc biệt là sau khi Chính phủ triển khai Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo vốn tín dụng ưu đãi còn tập trung vào những nhóm dân cư đặc thù, yếu thế trong xã hội (những người sống ở những vùng sâu, vùng xa; người dân tộc thiểu số; người dễ bị tổn thương).

Nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Lào Cai đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc giúp cho gần 112.000 hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ tạo việc làm và duy trì việc làm cho trên 150.000 lao động; hơn 48.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ xây dựng cải tạo trên 109.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 7.791 ngôi nhà cho hộ nghèo; 241 khách hàng được vay vốn để  xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và 8 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 192 lượt người lao động do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ do NHCSXH thực hiện thực sự là kênh dẫn vốn quan trọng, là "bà đỡ" cho các đối tượng này.

Hơn nữa, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh; tăng diện tích chè toàn tỉnh lên 5.037 ha; diện tích chuối đạt 3.332 ha tại Mường Khương và Bát Xát; Diện tích dứa đạt 1.689 ha tại Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát; Diện tích trồng cây dược liệu đạt 497 ha; Diện tích trồng cây ôn đới đạt 3.571 ha …Chăn nuôi gia súc được đẩy mạnh, đưa tổng đàn gia súc trên toàn tỉnh đến nay đạt 571.500 con, Tổng đàn gia cầm 4.920 nghìn con; diện tích nuôi trồng thủy sản ao hồ đạt 2.140 ha.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã có tác động tích cực đến người dân trên địa bàn, nhất là khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, vùng nghèo, vùng khó khăn. Thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của người dân, nâng cao khả năng thực hành tiết kiệm để đầu tư vào sản xuất; chuyển đổi cách thức làm ăn, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất; hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn vay của NHCSXH đã phát huy hiệu quả. Điển hình như: Gia đình ông Thào Seo Lìn Thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương vay vốn hộ nghèo để đầu tư trông 2.000 cây lê; Gia đình ông Phùng Thế Lân ở tại thôn Thôn Giàng, xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn vay vốn Hộ mới thoát nghèo để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng; Gia đình bà Nguyễn Thị Vui là hội viên Hội Phụ nữ thôn Lự, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên vay vốn giải quyết việc làm để thực hiện dự án vườn ao chuồng; Gia đình bà Vàng Thị Cân trú tại Thôn Đội 3, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà vay vốn Ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 06/2019 để trồng chè. Gia đình ông Lò Láo Tả, thôn Tùng Sáng xã A Mú Sung huyện Bát Xát vay vốn ngân sách huyện để đầu tư chăn nuôi đàn lợn đen sinh sản và lợn thịt …

Khắc phục khó khăn và giữ vững vai trò và chức năng trong phát triển kinh tại địa phương.

Với vị trí địa lý đặc biệt phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với 203 km đường biên giới có diện tích tự nhiên 6.383,9 km² đứng thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước. Do vậy địa bàn hoạt động của NHCSXH rộng, địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh trên gia súc thường xuyên xảy ra; người dân đa phần là người dân tộc thiểu số với 27 dân tộc cùng chung sống.  

Mặt khác, trình độ không đồng đều, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài nên việc khắc phục khó khăn, giữ vững vai trò phát triển kinh tế địa phương, xóa đói giảm nghèo và xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên cải thiện cuộc sống, thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền… Là một nhiệm vụ vô cùng cấp thiết và khó khăn với NHCSXH hiện nay. 

Đồng chí Nguyễn Hải Hà – Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: " Tỉnh Lào Cai là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn, thu ngân sách địa phương hằng năm đạt thấp. Từ điểm xuất phát kinh tế thấp, sản xuất nông nghiệp mang tính tự túc, tự cấp là chủ yếu. Trình độ của người dân vùng sâu, vùng xa, còn hạn chế, còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại sự bao cấp của Nhà nước. Nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội phải được chú trọng. Bên cạnh đó, cán bộ của NHCSXH biên chế ít, khối lượng công việc lớn, công tác tại các địa bàn miền núi, vùng khó khăn. Cần thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ NHCSXH, tạo điều kiện cho cán bộ tham gia đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, quản lý nhà nước, nhằm nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ... và sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với các tổ chức CT-XH là yếu tố quan trọng nhất."

Ngoài việc đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn, phương hướng thực hiện, đồng chí cũng chỉ ra các bài học kinh nghiệm rút ra sau 20 năm triển khai thực hiện và đưa ra mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2030 là 100% các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách các sản phẩm và dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 8 - 10%. Dự kiến đến năm 2030 đạt 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,06%/ tổng dư nợ, tỷ lệ thu lãi đạt 100% số lãi phải thu.

Ngoài ra còn chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động tại Điểm giao dịch xã, tạo điều kiện để nhân dân dễ dàng, thuận lợi tiếp cận các sản phẩm dịch vụ của NHCSXH. Nâng cao chất lượng hoạt động tổ TK&VV, 100% tổ TK&VV hoạt động có hiệu quả, giảm Tổ TK & VV xếp loại trung bình và không có Tổ TK &VV hoạt động yếu. Đẩy mạnh công tác phối hợp, lồng ghép chính sách tín dụng ưu đãi với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức CTXH thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. 


Việt Dũng
Ý kiến của bạn