Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn: Phát huy hiệu quả vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn được thành lập theo Quyết định số 36/QĐ-HĐQT ngày 14/01/2003 của Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) NHCSXH, nhằm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, góp phần thực hiện Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Tập trung nguồn lực trong công tác giảm nghèo hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sau nhiều năm hoạt động NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện tốt những mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền đã đề ra là: Tập trung nguồn lực trong công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách; tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, góp phần hạn chế hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đóng góp thiết thực vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nông thôn mới.
Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay được 326.454 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 8.023 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 5.294 tỷ đồng. Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách đến 31/7/2022 đạt gần 2.560 tỷ đồng, tăng 2.521 tỷ đồng, gấp 32,7 lần so với dư nợ khi thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 158,5% với 42.202 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn, dư nợ bình quân là 60,65 triệu đồng/khách hàng, tăng 56,7 triệu đồng/khách hàng so với khi thành lập, trong đó, dư nợ bình quân chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 60 triệu đồng/hộ, tăng 56,5 triệu đồng/hộ so với khi thành lập.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho 136.237 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 50 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 22 nghìn lao động, giúp cho trên 14 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 93 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 3 nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo...
Đặc biệt trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, đời sống của người dân, nguồn vốn tín dụng chính sách càng thể hiện rõ nét hơn vai trò và tầm quan trọng của mình, trở thành công cụ đắc lực của Chính phủ nhằm giúp người dân cả nước nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai cho vay trên 2.100 tỷ đồng, giúp trên 43.700 khách hàng vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống sau dịch bệnh.
Có thể khẳng định rằng nguồn vốn tín dụng chính sách là một trong những công cụ tài chính của Chính phủ hoạt động hiệu quả nhất, đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
"Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn" - Đồng chí Hà Sỹ Côn – Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn cho biết.
Khắc phục khó khăn và giữ vững vai trò và chức năng trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Tỉnh Bắc Kạn là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn, thu ngân sách địa phương hằng năm đạt thấp. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19 trong 2 năm vừa qua đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân, sự bất ổn về giá cả thị trường dẫn đến nguồn thu nhập của một số khách hàng không ổn định một phần nào dẫn đến nợ quá hạn, lãi tồn tăng. Cơ chế chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của các ngành, các cấp trong việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách trên từng địa bàn, đặc biệt là địa bàn cấp xã còn một số hạn chế.
Khó khăn chồng khó khăn thì việc khắc phục khó khăn, giữ vững vai trò phát triển kinh tế địa phương, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên cải thiện cuộc sống, thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn với NHCSXH hiện nay.
Đồng chí Hà Sỹ Côn nhấn mạnh: "Bắc Kạn tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa vùng Đông Bắc, là tỉnh nằm giữa các tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế lớn. Với xuất phát điểm là tỉnh nghèo và 80% dân cư là dân tộc thiểu số. Nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội phải được chú trọng; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với các tổ chức CT - XH là yếu tố quan trọng nhất."
Đồng thời đồng chí Côn cũng đưa ra mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2030 là phấn đấu tăng trưởng tín dụng hằng năm đạt từ 6-8%; hằng năm hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao. Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Phấn đấu giảm tỷ lệ nợ xấu.
Hơn nữa, thường xuyên bám sát Chiến lược phát triển của phát triển giai đoạn 2021-2030 của NHCSXH Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân trên địa bàn, phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Định hướng trong thời gian tới phấn đấu trên 60% số xã không có nợ quá hạn; Tổ TK&VV xếp loại hoạt động khá, tốt đạt trên 99%; không có Tổ TK&VV hoạt động yếu kém. 100% Phòng giao dịch NHCSXH huyện xếp loại chất lượng hoạt động tín dụng đạt loại tốt. Ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại di động (VBSP SmartBaking) đến tất cả khách hàng của NHCSXH trên địa bàn tỉnh. Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức CT - XH nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Việt DũngDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.