Chi phí logistics cao, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Doanh nghiệp - Doanh nhân
06:43 AM 20/11/2020

Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí logistics cao khiến giá thành hàng hóa của Việt Nam cao hơn so với các nước khác, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất trong nước và nền kinh tế.

Chi phí logistics ở Việt Nam vẫn đang là một “điểm nghẽn”, làm giảm sức cạnh tranh của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung

Chi phí logistics tại Việt Nam vẫn là "điểm nghẽn"

Ngành logistics có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng và dịch vụ thương mại, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Ngành logistics bao gồm một loạt hoạt động như vận tải, kho bãi, môi giới, chuyển phát, vận hành cảng và cả quản lý thông tin và dữ liệu, đóng vai trò làm dịch vụ hỗ trợ dòng chảy hàng hóa trong và xuyên biên giới quốc gia.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhận định: Logistics là mạch máu của nền kinh tế, quyết định đến tính cạnh tranh của từng quốc gia, của từng DN. Một ngành logistics vững mạnh là chìa khóa để Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dưới ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, ngành dịch vụ logistics đang có những thay đổi lớn đòi hỏi cả thế giới phải thay đổi để thích hợp trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, chi phí logistics ở Việt Nam vẫn đang là một “điểm nghẽn”, làm giảm sức cạnh tranh của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Chi phí logistics cao, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Chi phí logistics ở Việt Nam vẫn đang là một “điểm nghẽn”, làm giảm sức cạnh tranh của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung

Để ngành logistics Việt Nam có thể phát triển trong thời gian tới, việc đưa ngành logistics phát triển đúng hướng sẽ đồng nghĩa với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, hải quan, kỹ năng và luật lệ.

Thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, Việt Nam có khoảng 4.000 - 4.500 DN cung cấp logistics trực tiếp và hơn 30.000 công ty liên quan, trong đó có khoảng hơn 90% là các DN vừa và nhỏ.

Cũng theo nghiên cứu của VLA, tại Việt Nam chi phí cho logistics hiện chiếm khoảng 16,8%-17% GDP, tương đương về quy mô thì khoảng 42 tỷ USD, đóng góp khoảng 4% vào GDP. Chi phí logistics tại Việt Nam được đánh giá cao so với các nước xung quanh.

Cụ thể, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện chi phí logistics của hàng dệt may Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Trung Quốc 7%, Malaysia 12% và cao gấp 3 lần của Singapore.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch VLA cho biết, do đường biển nước ta khá dài, chi phí đường bộ cao và có nhiều chi phí khác.

Cụ thể chi phí logistics gồm lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… chiếm tỷ lệ khá lớn nên giá thành bị đẩy lên cao khiến giảm sức hút đầu tư và cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may trong nước so với các nước trong khu vực dù Việt Nam được cho là quốc gia có chi phí nhân công thấp. Đặc biệt, chi phí logistics cao không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành vật cản đối với DN khi thâm nhập thị trường mới.

 Theo ông Hiệp, Hiệp hội đang cố gắng để kéo giảm chi phí xuống khoảng 14-15% GDP.

Cần tập trung hơn cho chính sách và hạ tầng

Mặc dù đánh giá logistics của Việt Nam đã có nhiều cải thiện, từ vị trí thứ 64 cách đây 2 năm, Việt Nam đã tăng lên vị trí thứ 39 trên toàn cầu trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu suất dịch vụ logistics (LPI), đứng trên các nền kinh tế có quy mô lớn hơn so với một số nước cùng khu vực như: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, tuy nhiên, ông Shige Sakaki - Chuyên gia cao cấp phụ trách về giao thông vận tải của Ngân hàng Thế giới - cho rằng, logistics của Việt Nam có hai vấn đề cần quan tâm: Chính sách và hạ tầng.

“Chúng ta có thể so sánh chỉ số và hiệu quả thực tế của Việt Nam hiện nay. Cần xác định các khu vực cần tăng cường kết nối như về cảng biển, cảng hàng không ở các thành phố lớn” - ông Shighe Sakaki nhấn mạnh.

Nói về cơ hội và thách thức trong việc đầu tư, phát triển của ngành logistics hiện nay, theo VLA, năng lực vận tải quốc tế của ngành logistics Việt còn rất yếu. Hiện chưa có công ty vận tải biển nào có thể đảm đương được việc chuyên chở hàng hóa trong nước ra thị trường quốc tế. Trong khi đó, việc phát triển logistics chuyên dụng bằng hàng không, máy bay chuyên vận chuyển hàng hóa còn yếu.

“Chính phủ đã nhìn thấy rõ “nút thắt” này và đang quan tâm, hỗ trợ cho các DN logistics. Về phía mình, các DN cũng nhận rõ việc cần những công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu của thương mại điện tử, chuỗi cung ứng lạnh, tự động hóa trong quản trị kho hàng cũng như mảng logistics đô thị cần sự phát triển hơn nữa với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của công nghệ số” - ông Lê Duy Hiệp nêu rõ.

Đồng tình quan điểm trên, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam cần khắc phục điểm nghẽn này, tạo bước đột phá trong phát triển logistics nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa.

Liên quan đến việc chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp logistics vừa qua Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, quyết định về chuyển đổi số. Hiện có khoảng 40% doanh nghiệp logistics đã áp dụng chuyển đổi số, khá nhiều doanh nghiệp đã đi đầu như tại cảng Cát Lái đã áp dụng khai quan và các dịch vụ khác hoàn toàn điện tử. 

Tuy nhiên do doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do đó việc tiếp cận vốn, tài chính còn hạn chế, công nghệ khó lựa chọn do còn hạn chế về nguồn lực.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện cơ chế phát triển logistics, hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm cả hình thành các DN dịch vụ logistics đầu tàu, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics... 

Đồng thời, cần tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, tạo thuận lợi hơn nữa cho dịch vụ logictics phát triển, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đăng Khôi
Ý kiến của bạn
IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá Việt Nam không còn là quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và đưa vào nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình (EMMIE).