Chi phí nguyên liệu gia tăng 'gây khó' cho các nhà hàng châu Á

Quốc tế
10:46 AM 14/04/2022

Các nhà hàng và hàng rong bán thức ăn đường phố ở châu Á đang phải đối mặt với “bài toán khó” trong kinh doanh là lựa chọn chịu thiệt từ chi phí đầu vào cao hay tăng giá bán dẫn đến nguy cơ mất đi khách hàng trung thành.

Lợi nhuận tại nhà hàng lẩu cay của ông Ma Hong đã sụt giảm khoảng 1/5 kể từ khi ông mở cửa ở trung tâm thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm ngoái. Nhà hàng đã chịu sức ép lớn bởi giá thịt bò ba chỉ tăng hơn 50% và sự gia tăng chi phí của các nguyên liệu khác.

Chi phí nguyên liệu gia tăng 'gây khó' cho các nhà hàng châu Á - Ảnh 1.

Giá món kim chi cũng cần tính toán lại do giá rau củ tăng cao. Ảnh: Reuters

Ông Ma Hong nói: "Chúng tôi giữ nguyên giá bán như trước đây. Với tác động của đại dịch, mọi người đều đang cố gắng bám trụ. Chúng tôi không phải là nhà hàng duy nhất gánh chịu thiệt hại, hầu như nhà hàng khắp Bắc Kinh đều như vậy".

Tương tự, ông Mohammad Ilyas, một đầu bếp tại nhà hàng cơm Biryani ở Karachi, Pakistan, cho biết giá một cân gạo nguyên liệu đã tăng gấp đôi, lên tới 400 rupee Pakistan (2,20 USD). Ông Mohammad Ilyas chia sẻ: "Tôi đã làm việc tại nhà hàng này được 15 năm. Giá gạo và gia vị hiện đã tăng quá mức khiến người thu nhập thấp không đủ tiền ăn".

Sự gia tăng giá nguyên liệu thức ăn do ảnh hưởng của gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch và tác động của cuộc xung đột Ukraine. Châu Á, vốn là nơi mà nổi tiếng với thức ăn đường phố đa dạng, phong phú, giá cả phải chăng, là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội và nền kinh tế. Song, các nhà hàng, hàng kinh doanh thức ăn đường phố nơi đây đang đối mặt với nhiều sức ép về giá cả.

Để ứng phó với áp lực chi phí, một số cửa hàng đang thực hiện cắt giảm khẩu phần. Tại con phố nổi tiếng về ẩm thực đường phố của thủ đô Jakarta (Indonesia), ông Syahrul Zainullah đã giảm khẩu phần của món nasi goreng - món cơm rang đặc trưng tại Indonesia, thay vì tăng giá hoặc thay đổi sang sử dụng nguyên liệu khác giá rẻ hơn.

Ở Hàn Quốc, nơi lạm phát tiêu dùng hiện gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua, bà Choi Sun-hwa chủ cửa hàng kim chi chỉ mua được 7 bó bắp cải với mức giá mà trước đây có thể mua được 10 bó.

Bắp cải lên men cay được phục vụ như món phụ miễn phí trong bữa ăn tại các nhà hàng Hàn Quốc, nhưng hiện đây cũng là một món cần xem xét đến chi phí. Cô Seo Jae-eun, thực khách tại nhà hàng của bà Choi Sun-hwa, cho rằng kim chi nên được đổi tên gọi là "keum-chi", hàm ý tiếng Hàn có nghĩa là vàng. 

Cô nói: "Tôi không thể yêu cầu các nhà hàng cho thêm kim chi vào thời gian này bởi chi phí làm kim chi khá tốn kém do giá rau tăng cao".

Sức ép về giá đang làm thay đổi thói quen ăn uống của một số người tiêu dùng châu Á. Anh Steven Chang, 24 tuổi là nhân viên ngành dịch vụ, thường xuyên dùng bữa tại cửa hàng mì ramen nổi tiếng Just Noodles ở Đài Bắc (Trung Quốc) nhưng giờ đây đang phải cân nhắc lại thói quen này. Anh chia sẻ: "Tôi sống xa bố mẹ nên thường xuyên ăn ở nhà hàng. Nhưng hiện tại tôi sẽ cố gắng hạn chế đi ăn ngoài và nấu nướng ở nhà nhiều hơn".

An Mai (Theo Reuters)
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.