Chi phí sản xuất là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của ngành sản xuất xe điện
Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực xe điện, chi phí sản xuất và sở hữu xe điện cần được điều chỉnh hợp lý, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Công ty nghiên cứu thị trường BMI Research dự báo, doanh số bán ô tô điện mới tại Việt Nam năm 2024 sẽ tăng 114,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 18.000 chiếc. Trong đó, doanh số bán xe thuần điện tăng 104,4%, dự kiến sẽ đạt gần 17.000 chiếc. Doanh số bán xe điện hybrid plug-in (PHEV) cũng được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng đáng kể, tăng gấp 9 lần so với năm 2022, lên gần 1.100 chiếc.
Có thể nói thị trường xe điện Việt Nam đang tăng trưởng khá nhanh với hàng chục thương hiệu lớn, nhỏ đang tìm kiếm cơ hội. Chính vì vậy dù có ưu thế, song sản xuất ô tô điện trong nước đang phải cạnh tranh quyết liệt với các thương hiệu đến từ nước ngoài.
Ở phân khúc xe cao cấp, các thương hiệu danh tiếng như Mercedes-Benz, BMW, Porsche, Audi, Volvo, BYD… đều nhanh chóng lần lượt giới thiệu danh mục xe điện tại Việt Nam.
Để tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, giới chuyên gia cho rằng chi phí sản xuất và lắp ráp xe điện là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của ngành công nghiệp này tại Việt Nam. Các hãng xe nên tích cực đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ tiên tiến và tự động hóa trong sản xuất để giảm chi phí. Các nhà máy sản xuất xe điện hiện đại tại Việt Nam được trang bị hệ thống robot tự động, giúp tăng năng suất và giảm thiểu lỗi trong quá trình sản xuất, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tạo lòng tin cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Hiệp hội Ô tô Việt Nam, chi phí vận hành một chiếc xe điện trung bình chỉ bằng khoảng 1/3 so với xe chạy xăng. Điều này không chỉ hấp dẫn đối với người tiêu dùng mà còn là yếu tố thu hút các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam.
Do đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang triển khai các chính sách hỗ trợ nhằm giảm chi phí vận hành và bảo trì xe điện. Các chính sách này bao gồm miễn thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, linh kiện xe điện, hỗ trợ xây dựng hạ tầng trạm sạc và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Sự hỗ trợ của chính phủ sẽ là động lực quan trọng giúp giảm chi phí và thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp xe điện.
Hơn nữa, để xe điện có thể thực sự phát triển và thay thế các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng là điều kiện tiên quyết. Hiện nay, hệ thống trạm sạc xe điện tại Việt Nam còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng lo ngại về khả năng sạc pin khi di chuyển xa. Theo ước tính, Việt Nam cần đầu tư khoảng 123 tỉ USD và 14 tWh năng lượng từ năm 2024-2040 để đáp ứng nhu cầu của thị trường xe điện.
Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng không chỉ bao gồm việc xây dựng các trạm sạc mà còn phải nâng cấp hệ thống điện lưới để đảm bảo cung cấp đủ điện cho các trạm sạc này. Ngoài ra, việc phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực lên hệ thống điện lưới quốc gia và đảm bảo tính bền vững cho ngành năng lượng.
Để thực sự thu hút các nhà đầu tư lớn vào ngành công nghiệp xe điện, Việt Nam cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ. Việc tập trung vào giảm chi phí sản xuất, cải thiện chính sách hỗ trợ, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng là những bước đi cần thiết để đạt được mục tiêu này.
Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão.