Chỉ số giá lương thực thế giới giảm nhẹ sau khi tăng kỷ lục

Thế giới 24H
11:32 AM 07/05/2022

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) thông báo giá lương thực thực phẩm thế giới giảm trong tháng 4/2022 sau khi tăng vọt trong tháng trước đó trong bối cảnh chịu hậu quả từ cuộc xung đột ở Ukraine

Theo đó, chỉ số giá lương thực FAO ghi nhận trong tháng 4/2022 đã giảm 0,8% so với mức kỷ lục đạt được vào tháng 3. Tuy nhiên, chỉ số theo dõi diễn biến giá cả của các mặt hàng giao dịch chính trên thế giới vẫn tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đã giảm 5,7% trong tháng 4, giảm gần 1/3 mức tăng được ghi nhận trong tháng 3. Nguyên nhân bởi sự không chắc chắn về nguồn cung từ Indonesia, nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, khiến giá dầu thế giới giảm mạnh hơn.

Chỉ số giá lương thực thế giới giảm nhẹ sau khi tăng kỷ lục - Ảnh 1.

Những người bán trái cây tại một khu chợ ở La Paz, Bolivia. Ảnh: UN

Theo nhà kinh tế trưởng của FAO Máximo Torero Cullen: "Sự giảm nhẹ này của chỉ số là tín hiệu đáng mừng, đặc biệt là đối với các nước thâm hụt lương thực có thu nhập thấp, nhưng giá lương thực vẫn ở mức cao gần đây do thị trường tiếp tục thắt chặt, điều này làm suy yếu an ninh lương thực của những nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới".

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO cũng giảm trong tháng 4 do giá ngô thế giới đã giảm 3%.

Tuy nhiên, giá lúa mì, vốn bị ảnh hưởng mạnh bởi việc các cảng ở Ukraine bị phong tỏa kéo dài và lo ngại về kinh tế bấp bênh ở Mỹ, đã tăng 0,2%. Giá gạo thế giới cũng tăng 2,3% so với mức tháng 3, do nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc và Cận Đông.

Còn chỉ số giá đường của FAO cũng tăng 3,3%, do giá ethanol cao hơn và lo ngại về khởi đầu chậm chạp cho vụ thu hoạch năm 2022 ở Brazil, nước xuất khẩu đường hàng đầu trên thế giới.

Chỉ số giá thịt của FAO tăng 2,2% so với tháng trước, lên mức cao kỷ lục mới do giá thịt gia cầm, thịt lợn và thịt trâu, bò tăng. Ngoài ra, sự gián đoạn ảnh hưởng đến xuất khẩu từ Ukraine và sự lây lan của dịch cúm gia cầm ở Bắc bán cầu đã ảnh hưởng đến giá gia cầm.

Chỉ số ngành sữa cũng tăng 0,9% do nguồn cung toàn cầu tiếp tục thắt chặt. Sản xuất sữa ở Tây Âu và Châu Đại Dương tiếp tục cho kết quả thấp hơn mức theo mùa của họ. Sự gia tăng có thể do giá bơ quốc tế, nhu cầu đã tăng vọt do tình trạng khan hiếm dầu hướng dương và bơ thực vật hiện nay.

Trong Bản tin cung cầu ngũ cốc mới nhất của mình, FAO ước tính, dự trữ ngũ cốc toàn cầu năm 2022 sẽ ở mức 856 triệu tấn, cao hơn 2,8% so với mức dự tính ban đầu, chủ yếu do dự trữ ngô tăng do ngừng xuất khẩu từ Ukraine. Theo FAO, nếu điều này diễn ra, tỷ lệ dự trữ ngũ cốc trên thế giới sẽ không thay đổi vào cuối giai đoạn này và sẽ ở mức 29,9%, “nguồn cung vẫn tương đối dồi dào”.

Thêm vào đó, FAO vẫn dự báo sản lượng lúa mì thế giới sẽ tăng vào năm 2022, đạt 782 triệu tấn. Dự báo này có tính đến sự sụt giảm dự kiến 20% diện tích thu hoạch ở Ukraine, cũng như sản lượng ở Maroc giảm do hạn hán.

Về ngũ cốc thô, Brazil đang trên đà thu hoạch kỷ lục 166 triệu tấn ngô vào năm 2022, trong khi điều kiện thời tiết xấu dự kiến sẽ làm giảm sản lượng ngô ở Argentina và Nam Phi.

Ngoài ra, các cuộc khảo sát ban đầu chỉ ra rằng lượng đất trồng ngô ở Mỹ dự kiến sẽ giảm 4%, do lo ngại về chi phí cao của phân bón và các đầu vào khác.

Minh An (Theo FAO/UN)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.