Chỉ số giá lương thực thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm
Chỉ số giá lương thực thế giới của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) trong tháng 1 năm 2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm.
Ngày 2/2, FAO cho biết, chỉ số lương thực đạt trung bình 118 điểm trong tháng 1, giảm so với 119,1 điểm trong tháng 12/2023. Đây là chỉ số thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Theo FAO, giá xuất khẩu lúa mỳ giảm trong tháng 1 do cạnh tranh mạnh giữa các nhà xuất khẩu và nguồn cung mới thu hoạch tại các nước Nam bán cầu. Trong khi đó, giá ngô giảm mạnh, phản ánh tình hình vụ mùa được cải thiện và bắt đầu vụ thu hoạch tại Argentina và các nguồn cung lớn hơn tại Mỹ.
Cũng theo FAO, sản lượng ngũ cốc thế giới trong năm ngoái đạt mức cao kỷ lục là 2,836 tỷ tấn, tăng 1,2% so với năm trước đó. Chỉ số giá thịt giảm tháng thứ 7 liên tiếp trong bối cảnh nguồn cung dư thừa từ các nước xuất khẩu hàng đầu đẩy giá gia cầm, thịt bò và thịt lợn giảm.
Trước đó vào đầu tháng 1, FAO công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá lương thực thế giới trong năm 2023 thấp hơn khoảng 10% so với năm trước đó, với chỉ số của tháng 12/2023 cũng giảm so với tháng trước, qua đó xoa dịu quan ngại về lạm phát giá lương thực toàn cầu.
Chỉ số giá của FAO theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu. Báo cáo của FAO nêu rõ chỉ số này đạt trung bình 118,5 điểm trong tháng 12/2023, giảm 1,5% so với tháng trước đó và thấp hơn 10,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong cả năm 2023, chỉ số giá lương thực trung bình thấp hơn 13,7% so với mức của năm trước và chỉ có giá đường là cao hơn trong cả giai đoạn này. Tuy nhiên, chỉ số giá đường trong tháng 12/2023 lại giảm 16,6% so với tháng 11. Theo FAO, sự sụt giảm này chủ yếu là do hoạt động sản xuất đường mạnh tại Brazil và việc giảm sử dụng mía để sản xuất ethanol tại Ấn Độ.
Trong báo cáo, FAO cũng chỉ rõ chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 12/2023 đã tăng 1,5% so với tháng 11, do giá lúa mì, ngô, gạo và lúa mạch đều tăng trong bối cảnh việc vận chuyển những mặt hàng này của các nước xuất khẩu lớn gặp khó khăn.
Tuy nhiên, trong cả năm, giá ngũ cốc thấp hơn 15,4% so với mức trung bình của năm 2022 do nguồn cung dồi dào trên thị trường, ngoại trừ gạo.
Dầu thực vật ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất với chỉ số giá của mặt hàng này trong tháng 12/2023 giảm 1,4% so với mức của tháng trước đó, và giảm tới 32,7% trong cả năm. Chỉ số giá thịt trong tháng 12 giảm 1% so với tháng 11 và giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Huyền My (t/h)Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, các địa phương động lực dự báo tăng trưởng cao trong quý IV, dẫn dắt tăng trưởng cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7%.