Chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội tháng 8 tăng 1,08%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 trên địa bàn Hà Nội tăng 1,08% so với tháng 7, tăng 1,6% so với tháng 12/2022 và tăng 0,78% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 8 tháng tăng 0,96% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tháng 8/2023, Hà Nội có 10/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng 7, trong đó, giao thông tăng 3,74% (tác động làm tăng CPI chung 0,37%) do trong tháng giá xăng điều chỉnh tăng so với tháng trước 0,4%; giáo dục tăng 3,61% (tác động làm tăng CPI 0,29%) do một số trường dân lập, tư thục trên địa bàn thành phố áp dụng mức tăng thu học phí trong năm học 2023-2024.
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,9% (tác động làm tăng CPI 0,18%) do trong tháng giá dầu hỏa tăng 15,99%, giá gas tăng 6,53%, giá nước sinh hoạt tăng 4,47%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,69% (tác động làm tăng CPI 0,21%) chủ yếu do giá lương thực tăng 2,43%, giá thực phẩm tăng 0,7%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,28% (tác động làm tăng CPI 0,02%); văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,12% (tác động làm tăng CPI 0,01%); thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,07%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,44%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,39% so với tháng trước.
CPI bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 0,96% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó 8/11 nhóm hàng CPI tăng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,52%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,47%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,55%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,65%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,09%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,65%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,34%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,76%.
Có 3/11 nhóm hàng CPI bình quân 8 tháng giảm so với bình quân cùng kỳ: Giáo dục giảm 4,43%; giao thông giảm 3,75%; bưu chính viễn thông giảm 0,47%.
Theo UBND TP Hà Nội, từ nay đến cuối năm, một trong những ưu tiên hàng đầu của TP Hà Nội là tiếp tục tập trung đảm bảo tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng. Theo đó, kiểm soát tốt giá cả, thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đảm bảo cân đối cung - cầu, nhất là cân đối về xăng, dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Thương HuyềnSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.