Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2023 tăng 0,45%
Theo Tổng cục Thống kê, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá thuê nhà tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng trước.
Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố hôm 28/2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đã tăng 0,45% so với tháng trước và cao hơn 4,31% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng 12/2022, chỉ số này tăng 0,97%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 5 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 6 nhóm hàng giảm giá.
Giao thông là nhóm tăng cao nhất, chỉ số giá nhóm này tăng 2,11% so với tháng trước chủ yếu do giá xăng dầu tăng 5,66%, tác động làm CPI chung tăng 0,2 điểm phần trăm do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá vào ngày 13/2 và 21/2.
Tương tự, giá dịch vụ giao thông công cộng cũng tăng 2,58% trong tháng. Trong đó, giá dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 32,92%; dịch vụ vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 6,63% do nhu cầu đi lại trong tháng Giêng âm lịch tăng cao.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, nhóm giao thông vẫn giảm 0,18% do giá xăng dầu tăng cao trong các tháng đầu năm 2022, sau đó liên tiếp giảm vào các tháng cuối năm.
Nhóm có chỉ số giá tăng nhanh thứ hai trong tháng là nhà ở và vật liệu xây dựng (+1,81%). Trong đó, giá gas tăng 14,56% do từ ngày 1/2, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 63.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá thế giới tăng 192,5 USD/tấn (từ mức 597,5 USD/tấn lên mức 790 USD/tấn).
Giá điện sinh hoạt tháng này cũng tăng 1,12% so với tháng trước do nhu cầu sử dụng điện dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,99% do giá thép tăng cao chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào sản xuất thép như quặng sắt, than mỡ, thép phế liệu, cuộn cán nóng... tăng. Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, giá thuê nhà đã tăng 0,28% so với tháng trước do nhu cầu thuê nhà để ở tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Nhóm hàng hoá dịch vụ khác, thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế cùng tăng nhẹ.
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá 6 nhóm: văn hoá, giải trí và du lịch, bưu chính viễn thông, đồ uống và thuốc lá, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giáo dục đồng loạt giảm.
Trong đó, chỉ số giá nhóm giáo dục tháng giảm mạnh nhất 0,57% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm. Dịch vụ giáo dục giảm 0,66%, nguyên nhân chủ yếu do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân. Một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81 của Chính phủ.
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 2 giảm 0,17% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm trong đó: Lương thực tăng 0,26%; thực phẩm giảm 0,49%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,45%.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản tháng 2 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong hai tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,6%).
Tổng cục Thống kê lý giải, tháng 7/2022 đến tháng 12/2022 giá xăng dầu liên tục giảm (thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản) là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI.
Thương Huyền (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.