Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,48%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước do nhu cầu sử dụng điện tăng và mức đóng BHYT được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới.
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 7 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 7 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Riêng nhóm bưu chính, viễn thông ổn định giá do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh tiếp tục thực hiện chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm.
10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng thì nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,77% chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45% khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ chăm sóc người già tăng 2,5% so với tháng trước; sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồ trang sức tăng 0,47%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,24%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,3%.
Nhóm giao thông tăng 1,45%, làm cho CPI chung 0,14 điểm phần trăm. Nhóm này tăng chủ yếu do: Giá dầu diezen tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 20,44%; đường sắt tăng 4,4%; vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,04%; vận tải hành khách kết hợp tăng 0,01% do nhu cầu đi lại trong dịp hè tăng…
Tiếp đến là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5%. Chủ yếu do các nguyên nhân: Giá điện sinh hoạt tăng 1,39%; nước sinh hoạt tăng 0,22%. Giá dầu hỏa tăng 4,02% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá thuê nhà tăng 0,2%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,08%. Riêng giá gas giảm 0,01% so với tháng trước do một số cửa hàng giảm giá để kích cầu tiêu dùng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 7 tăng 0,26%, đẩy CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,14%, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 0,23%; nhà khách, khách sạn tăng 0,43% do tháng 7 học sinh nghỉ hè nên nhu cầu đi du lịch của các cơ quan, doanh nghiệp và gia đình tăng cao.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%, trong đó giá khám chữa bệnh nội trú tăng 0,19%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,08%. Nguyên nhân do trong tháng 7/2024 tiếp tục có địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp…
Cũng theo số liệu thống kê, lạm phát cơ bản tháng 7/2024 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Trong tháng 7, chỉ số giá vàng giảm 0,12% so với tháng trước; tăng 18,11% so với tháng 12/2023; tăng 29,39% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng, chỉ số giá vàng tăng 24,77%.
Chỉ số giá USD cũng tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 4,22% so với tháng 12/2023; tăng 7,14% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 5,85%.
Huyền My (t/h)Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm nhất là ngày 12/9.