Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 2,82% so với cùng kỳ do thuốc, dịch vụ y tế và thực phẩm

Đầu tư và Tiếp thị
09:00 AM 29/08/2021

Giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tháng 8/2021, CPI tăng 0,25%. Trong đó, khu vực thành thị tăng 0,34%, cao hơn mức tăng 0,14% của khu vực nông thôn, nguyên nhân chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm của khu vực thành thị có mức tăng cao.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 2,82% so với cùng kỳ do thuốc, dịch vụ y tế và thực phẩm - Ảnh 1.

Dữ liệu: Tổng cục Thống kê

Đáng chú ý, tháng 8, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước, 4 nhóm giảm giá, 3 nhóm giữ giá ổn định (nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác).

Trong 4 nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2021 có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,74% (làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm), do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát khi thời tiết nắng nóng tăng cao và giá thuốc lá tăng do nguồn cung giảm. Nhóm giáo dục tăng 0,04% do giá văn phòng phẩm tăng 0,34%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,08%.

Trong 4 nhóm hàng giảm giá, nhóm giao thông giảm 0,06% so với tháng trước, chủ yếu do các hãng giảm giá ô tô mới và ô tô đã qua sử dụng (lần lượt giảm 0,09% và giảm 0,84%). Nhóm bưu chính, viễn thông tháng 8/2021 giảm 0,05% do giá điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,16% và phụ kiện điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,5%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,03% so với tháng trước, chủ yếu do giá thiết bị văn hóa giảm 0,22%; du lịch trọn gói giảm 0,04%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.

Tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 8 tháng tăng 0,9%. Một số yếu tố làm tăng CPI trong 8 tháng đầu năm bao gồm:

- Giá xăng dầu trong nước bình quân 8 tháng năm nay tăng 22,86%, làm CPI chung tăng 0,82 điểm phần trăm.

- Giá dịch vụ giáo dục 8 tháng tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm).

- Giá gạo 8 tháng năm 2021 tăng 6,68% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm).

- Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 8 tháng năm nay tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm.

Hà Trần
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.