Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam tăng hai bậc trên toàn cầu
Theo báo cáo “Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024” vừa mới được công bố bởi StartupBlink, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng tích cực vào năm 2024.
Cụ thể, trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2024, Việt Nam đã tăng hai bậc, từ vị trí thứ 58 lên 56.
Tại khu vực Đông Nam Á, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ 5 và vị trí thứ 12 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đứng thứ 31 toàn cầu về số lượng startup.
Đặc biệt, Đà Nẵng lần đầu tiên lọt vào top 1.000 thành phố có chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp cao nhất trên toàn cầu với vị trí thứ 896, cùng với TP. Hồ Chí Minh (vị trí thứ 111) và Hà Nội (vị trí thứ 157).
Tại khu vực Đông Nam Á, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội giữ vững vị trí lần lượt là 6 và 7, trong khi Đà Nẵng đứng ở vị trí thứ 22. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt đứng ở vị trí thứ 2 và 7 trong khu vực Đông Nam Á và nằm trong top 100 toàn cầu về khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024 được đánh giá đạt được nhiều thành công, với sự phát triển ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, các lĩnh vực trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang thu hút vốn nhiều từ nhà đầu tư bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ thực phẩm, giải pháp doanh nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng làm tăng thêm sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Các khoản đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, với vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam dự kiến đạt 5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2025.
Tuy nhiên, các startup tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Thiếu nhân lực có trình độ, thiếu các startup quy mô lớn và cải cách thể chế vẫn còn chậm. Ngoài các quỹ và khoản vay hiện có, Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào quá trình đào tạo để xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng. Việc cải cách thể chế liên tục cũng rất cần thiết để tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện, từ đó thu hút các doanh nghiệp công nghệ và giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp càng dễ phát triển.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc xây dựng Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC), nhằm đóng góp vào các mô hình tăng trưởng dựa trên sự phát triển khoa học và công nghệ.
Minh An (t/h)Tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” ngày 3/1, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã có sức bật mạnh mẽ. Năm 2025, sẽ vượt qua thách thức toàn cầu, triển vọng về một nền kinh tế vững mạnh và bền vững trong tương lai.