Chỉ số PMI tháng 12 năm 2024 giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm
Trong tháng 12/2024, chỉ số quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên trong ba tháng và chỉ đạt 49,8 điểm.
Sáng 2/1/2025, S&P Global công bố báo cáo chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 12/2024. Trong đó có 3 điểm nổi bật: Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng yếu hơn; niềm tin kinh doanh giảm đáng kể; việc làm tiếp tục giảm.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers' Index™ (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global trong tháng 12 đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên trong ba tháng khi đạt 49,8 điểm so với 50,8 điểm của tháng 11.
Tuy nhiên, hoạt động mua hàng đã tăng trở lại. Trong khi đó, niềm tin kinh doanh đã giảm thành mức thấp của 19 tháng. Áp lực lạm phát tăng lên, với cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7.
Kết quả chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh tổng thể đã suy giảm nhẹ vào thời điểm cuối năm. Sức khỏe ngành sản xuất đã yếu đi bất kể sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới vẫn tăng khi các công ty giảm việc làm và mức tồn kho hàng mua.
Mặc dù cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng trong tháng 12 nhưng tốc độ tăng yếu nhất trong 3 tháng gần đây. Một số công ty cho biết nhu cầu khách hàng cải thiện, trong khi những doanh nghiệp khác lại cho biết các điều kiện thị trường suy giảm.
Trong khi tổng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, tổng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới lại giảm tháng thứ hai liên tiếp và tốc độ giảm là mạnh.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng những lo ngại về sự bất ổn và không chắc chắn của thị trường thế giới đã làm giảm niềm tin về triển vọng sản lượng trong một năm tới. Tâm lý kinh doanh trong tháng 12 đã giảm đáng kể và là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Tuy nhiên, những hy vọng về khả năng tăng số lượng đơn đặt hàng mới, sự cải thiện của các điều kiện kinh tế và giải pháp cho một số cuộc xung đột trên thế giới khiến các công ty vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng.
Dự kiến sản lượng tăng trong những tháng tới khiến các công ty đã gia tăng trở lại hoạt động mua hàng, và tốc độ tăng là nhanh nhất trong thời gian bốn tháng. Tuy nhiên, các công ty vẫn còn ngần ngại trong việc tích trữ quá nhiều hàng tồn kho, và từ đó đã giảm tồn kho hàng mua. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm.
Các nhà sản xuất đã giảm việc làm tháng thứ ba liên tiếp vào cuối năm trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng yếu. Mặc dù chỉ ở mức khiêm tốn, tốc độ giảm việc là mạnh nhất kể từ tháng 8.
Việc tiếp tục giảm việc làm vào thời điểm số lượng đơn đặt hàng mới tăng (cho dù là tăng nhẹ) khiến lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng trong tháng 12, từ đó kéo dài thời kỳ tăng lượng công việc tồn đọng hiện nay thành bảy tháng. Tuy nhiên, mức tăng lần này chỉ là nhẹ và là yếu nhất trong thời kỳ tăng này.
Áp lực lạm phát tăng lên trong tháng 12, với cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tăng với tốc độ nhanh hơn so với tháng 11.
Bình luận về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho rằng đây là thời điểm kết thúc năm ảm đạm đối với ngành sản xuất Việt Nam khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại. Những bất ổn trên thị trường thế giới cũng làm giảm niềm tin kinh doanh khiến chỉ số này giảm thành mức thấp nhất trong hơn một năm rưỡi.
Điều này một phần phản ánh tình trạng không chắc chắn liên quan đến những kế hoạch của chính quyền sắp tới của Mỹ về thuế quan. Những thông cáo tiếp theo về vấn đề này trong năm mới sẽ giúp làm sáng tỏ bất kỳ ảnh hưởng tiềm tàng nào lên các nhà sản xuất của Việt Nam.
Huyền My (t/h)Tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” ngày 3/1, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã có sức bật mạnh mẽ. Năm 2025, sẽ vượt qua thách thức toàn cầu, triển vọng về một nền kinh tế vững mạnh và bền vững trong tương lai.