Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 5,7%
Trong quý I/2021, sản xuất công nghiệp đã có những tín hiệu tích cực khi có mức tăng 6,5%, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương về sản xuất công nghiệp, trong quý I/2021, ngành công nghiệp đạt mức tăng khá 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng trong tháng 3/2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 22,1% so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm 2021, IIP toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong quý I, có một số ngành có mức tăng trưởng cao, đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành này tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%. Điển hình như thép cán tăng 54%; linh kiện điện thoại tăng 47,9%; ti vi các loại tăng 30,9%; ô tô tăng 17,7%...
Đáng chú ý, hai ngành sản xuất – xuất khẩu chủ lực là dệt may, da giày trong quý I năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Dù dịch bệnh vẫn còn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã tìm ra được hướng đi phù hợp và thị trường dệt may, da giày thế giới đã dần sôi động trở lại. Mặc dù số lượng và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019, nhưng tín hiệu thị trường đã dần hồi phục.
Với ngành dệt may, chỉ số sản xuất ngành dệt tính chung 3 tháng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020; chỉ số sản xuất trang phục tăng 1,4%. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8%. Với ngành da giày, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 4,74 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ.
Mặc dù sản xuất công nghiệp đã ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt, song báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2021 tăng 22,5% so với cùng thời điểm năm trước.
Để giải quyết bài toán tồn kho, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, trong quý II, Bộ Công thương sẽ tăng cường "khơi dòng" tiêu thụ thông qua các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, thúc đẩy giao thương, xuất khẩu hàng hoá. Đặc biệt, Bộ sẽ tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm...
Th.Huyền (TH)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.