Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 tăng 18,3% so với cùng kỳ
Mặc dù sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2024 tiếp tục ghi nhận sự suy giảm so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước lại có mức tăng khá cao.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước nhưng tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 7,3%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm.
Đặc biệt, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất tháng 1/2024 ghi nhận sự tăng trưởng ở đa số ngành công nghiệp trọng điểm, với nhiều ngành tăng trưởng lên đến hai con số. Trong đó, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế ghi nhận mức tăng vọt ấn tượng khi tăng 66,7%. Mức tăng này đã cao gần gấp rưỡi ngành đứng thứ hai là ngành dệt, tăng 46,2%.
Là một trong những ngành liên tục ghi nhận mức giảm lớn nhất trong các ngành công nghiệp trọng điểm trong năm 2023, nhưng kỳ này, ngành sản xuất phương tiện vận tải khác đã tăng trưởng lên đến 2 con số, đạt 13,1%.
Về tình hình sản xuất của các địa phương trên cả nước tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước, báo cáo ghi nhận 60 địa phương có chỉ số sản xuất tăng và 3 địa phương có chỉ số sản xuất giảm.
Một số địa phương có chỉ số IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng cao, gồm: Quảng Ninh tăng 157,9%; Bắc Giang tăng 57,7%; Nam Định tăng 56,9%; Vĩnh Long tăng 51,2%; Kiên Giang tăng 47,7%; Phú Thọ tăng 39,4%.
Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Trà Vinh tăng 151,4%; Hải Phòng tăng 105,7%; Thanh Hóa tăng 68,3%; Thái Bình tăng 66,0%; Phú Thọ tăng 37,5%.
Chỉ còn Cà Mau, Bắc Ninh, Sơn La là những địa phương ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ, chủ yếu do sự sụt giảm của chỉ số công nghiệp các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất và phân phối điện. Trong đó, đây là tháng thứ 8 Sơn La nằm trong top 3 địa phương ghi nhận mức giảm sâu nhất của chỉ số IIP so với cùng kỳ.
An Mai (t/h)Trước biến động của giá dầu thế giới, các doanh nghiệp dự báo giá xăng trong nước ngày mai có thể tăng từ 250-300 đồng/lít; còn giá dầu tăng mạnh hơn.