Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 giảm hơn 21% do nghỉ Tết và Covid-19

Kinh doanh
05:06 PM 28/02/2021

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại một số địa phương cũng như do số ngày làm việc của tháng 2 năm nay ít hơn 8 ngày, sản xuất công nghiệp tháng 2/2021 ước tính giảm so với tháng trước.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2/2021 ước tính giảm 21.1% so với tháng trước và giảm 7.2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 18.5% và giảm 23%; ngành chế biến, chế tạo giảm 23.1% và giảm 5.8%; sản xuất và phân phối điện giảm 9.8% và giảm 2.3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 8.7% và tăng 0.1%.

Song, nhờ sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 tăng 22.5% so với cùng kỳ năm ngoái, nên tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, tính chung 2 tháng đầu 2021, IIP ước tính tăng 7.4%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10.4% (cùng kỳ năm trước tăng 7.1%), đóng góp 8 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4.3% (cùng kỳ năm trước tăng 7%), đóng góp 0.7 điểm phần trăm.

Ngoài ra, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4.8% (cùng kỳ năm trước tăng 4.6%), đóng góp 0.4 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 11% (cùng kỳ năm trước giảm 2.7%), làm giảm 1.7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 2 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 30.3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 21.2%; sản xuất thiết bị điện tăng 17.5%; khai thác quặng kim loại tăng 14.9%.

Thêm vào đó, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 11.9%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 10.6%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 10.4%; sản xuất xe có động cơ tăng 10.2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10.1%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 9.6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8.2%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm: Sản xuất mô tô, xe máy giảm 1.7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 5%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 5.1%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 7.4%; khai thác than cứng và than non giảm 8.6%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ và khai thác mỏ quặng giảm 13.5%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 15.6%.

2 tháng đầu năm 2021, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: TV các loại tăng 61.5%; linh kiện điện thoại tăng 55.7%; thép cán tăng 47.3%; sắt, thép thô tăng 20.1%; sữa bột tăng 17.5%; xi măng tăng 14%; sơn hóa học tăng 12.8%; phân hỗn hợp NPK tăng 10.8%; ô tô tăng 9.9%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 9.3%; bia các loại tăng 8.3%; sữa tươi tăng 7.9%.

Tuy nhiên, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: Thức ăn cho gia súc giảm 0.3%; giày, dép da giảm 0.5%; thủy hải sản chế biến giảm 1.2%; thức ăn cho thủy sản giảm 3.6%; phân u rê giảm 5.1%; đường kính giảm 6%; thép thanh, thép góc giảm 6.7%; than sạch giảm 8.7%; dầu mỏ thô khai thác giảm 10.8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 19.9%; xăng, dầu các loại giảm 55%.

Hà Trần
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.