Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm mạnh
Do ảnh hưởng của COVID-19 và việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số ngành khai khoáng giảm 2,4%; ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%.
Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù, chỉ số công nghiệp 8 tháng cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.
Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất kim loại tăng 30,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 23,1%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 9,2%; sản xuất dệt tăng 8,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 6%; sản xuất trang phục tăng 5,9%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng qua tăng cao so với cùng kỳ năm trước là thép cán tăng 48,3%; linh kiện điện thoại tăng 43,9%; ô tô tăng 27,9%; sắt, thép thô tăng 13,7%; giày, dép da tăng 12,5%; phân hỗn hợp NPK tăng 12,3%; khí hóa lỏng LPG tăng 10,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 6,7%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 5,5%; quần áo mặc thường tăng 6,5%.
Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm, như khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 1,7%; khai thác than cứng và than non giảm 0,9%.
Trong tháng 8/2021, một số địa phương có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như: Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%. Tây Ninh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ giảm từ 25-37%.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng như: Hải Phòng tăng 21,2%; Hà Nam tăng 18,5%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Thái Bình tăng 15,8%; Nghệ An tăng 14,9%; Ninh Thuận và Nam Định cùng tăng 14,2%; Quảng Trị tăng 13,7%...
An Mai (t/h)10 tháng năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đón nhận nhiều tín hiệu tích cực như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,5%, xuất siêu đạt hơn 23 tỷ USD, lạm phát dần hạ nhiệt với CPI tăng 3,78%...