Chi tiêu trực tuyến tăng 900 tỷ USD trong thời kỳ COVID-19

Kinh doanh
10:47 AM 14/04/2021

Thương mại điện tử được ví như "sợi dây cứu sinh" giai đoạn COVID-19 cho các nhà bán lẻ, khi chi tiêu trực tuyến gia tăng thêm 900 tỷ USD trên toàn cầu. Tức là, cứ 5 USD chi tiêu bán lẻ thì thương mại điện tử chiếm khoảng 1 USD (tỷ lệ này ở năm 2019 là 7/1). Ngay cả những doanh nghiệp nhỏ nhất cũng nhận ra lợi ích khi chuyển sang nền tảng kỹ thuật số.

Khi đại dịch COVID-19 buộc người tiêu dùng (NTD) trên khắp thế giới phải ở nhà, hầu như mọi thứ từ rau củ quả cho tới vật dụng làm vườn, đều được mua sắm trực tuyến.

Đối với các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, khả năng bán hàng trực tuyến đã trở thành "sợi dây cứu sinh" khi hoạt động tiêu dùng trực tiếp bị gián đoạn.

Chi tiêu trực tuyến tăng 900 tỷ USD thời COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo "Mastercard Recovery Insights: Commerce E-volution", khoảng 20-30% khối lượng doanh nghiệp chuyển dịch sang thương mại số toàn cầu liên quan tới COVID-19.

Ông Bricklin Dwyer, Nhà kinh tế trưởng tại Mastercard kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế Mastercard, cho biết: “Dù bị mắc kẹt ở nhà, NTD vẫn có thể tiêu tiền ở bất cứ đâu nhờ thương mại điện tử. Điều này mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Các quốc gia và công ty đặt ưu tiên cho lĩnh vực số sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả. Phân tích của chúng tôi cho thấy ngay cả những doanh nghiệp nhỏ nhất cũng nhận ra lợi ích khi chuyển sang nền tảng kỹ thuật số”.

Mặc dù quá trình chuyển đổi số không diễn ra rộng khắp hay nhất quán do những cách biệt về địa lý, điều kiện kinh tế và hộ gia đình, báo cáo vẫn ghi nhận một vài xu hướng chính.

Trước hết, nhóm tiên phong về kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ. Theo đó, các nền kinh tế như Anh và Hoa Kỳ được số hoá nhiều hơn trước khủng hoảng, và đã hưởng lợi nhiều hơn khi làn sóng dịch chuyển sang thương mại số trong nước. 

Châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu là những khu vực có sự thúc đẩy triển khai thương mại điện tử mạnh mẽ trong thời gian đại dịch.

Báo cáo này cũng chỉ ra lợi ích bền vững từ kỹ thuật số đối với các cửa hàng bán đồ thiết yếu. Lĩnh vực bán lẻ đồ thiết yếu tăng doanh thu đáng kể khi có khoảng 70-80% lượng khách đã chuyển sang mua sắm nhu yếu phẩm qua thương mại điện tử.

Xu hướng thứ 3 là thương mại điện tử quốc tế tăng cả về quy mô doanh số lẫn số lượng quốc gia có đơn đặt hàng. Tính đến tháng 2/2021, chi tiêu thương mại điện tử quốc tế đã tăng khoảng 25-30% so với cùng kỳ năm 2020.

Thứ tư là NTD gia tăng sử dụng thương mại điện tử khiến số các cửa hàng trực tuyến cũng tăng tới 30%. Phân tích của Mastercard cho thấy, NTD trên toàn cầu mua sắm qua trang web và cửa hàng trực tuyến nhiều hơn trước, phản ánh sự gia tăng về lựa chọn tiêu dùng. Số lượng cửa hàng trực tuyến mà người dân các nước như Ý và Ả Rập Xê-út mua hàng trung bình tăng 33%, theo sau là Nga và Anh.

Cuối cùng là tốc độ chuyển sang thanh toán điện tử ở nhiều quốc gia tăng nhanh. Ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang hình thức thanh toán không chạm. Chẳng hạn, tại cửa hàng bán lẻ và nhà hàng truyền thống ở Hoa Kỳ, lượng thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng thêm 2,5% so với năm 2019.

Năm 2019, Mastercard đã ra mắt trang tin Recovery Insights để hỗ trợ các doanh nghiệp và chính phủ quản lý sức khỏe, an toàn và rủi ro kinh tế trước các tác động do COVID-19 gây ra. Sáng kiến này được dựa trên các nền tảng phân tích và thử nghiệm, phương pháp tham vấn lâu năm và sự thấu hiểu dựa trên nguồn dữ liệu của Mastercard, giúp mang đến các công cụ, đổi mới và nghiên cứu thích hợp và kịp thời.

Nhung T. (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.