Chi trả bảo hiểm do bão số 3 và lũ lụt gây ra ước tính hơn 11.600 tỷ đồng

Tài chính - Đầu tư
10:35 AM 10/10/2024

Đến ngày 7/10, tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm do cơn bão số 3 và lũ lụt gây ra tạm thời lên tới khoảng 11.627 tỷ đồng.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trên cơ sở báo cáo của 31/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19/19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đến ngày 7/10 tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm do cơn bão số 3 và lũ lụt gây ra tạm thời lên tới khoảng 11.627 tỷ đồng.

Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã ghi nhận 73 trường hợp tử vong và thương tật thuộc phạm vi bảo hiểm, với tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tính là 19,8 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng 14,4 tỷ đồng.

Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp đã tiếp nhận khoảng 13.847 thông tin thiệt hại, bao gồm bảo hiểm tài sản, xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe, với tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 11.607 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng tổng số tiền bồi thường là 108,3 tỷ đồng.

Chi trả bảo hiểm do bão số 3 và lũ lụt gây ra ước tính hơn 11.600 tỷ đồng- Ảnh 1.

Chi trả bảo hiểm do bão số 3 và lũ lụt gây ra ước tính hơn 11.600 tỷ đồng. Ảnh: Int

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, ảnh hưởng nặng nề để lại sau bão số 3 và mưa lũ đã tạo ra những khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát, đồng thời tạo điều kiện, đồng hành với các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường bám sát địa bàn và khẩn trương có phương án hỗ trợ tốt nhất cho tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh theo đúng quy định và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Trước đó, bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay sau khi bão tan, ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

Đồng thời thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.

Thực hiện các chỉ đạo nêu trên, các doanh nghiệp bảo hiểm đã dồn toàn lực, huy động nhân lực, tập trung cao nhất đến trực tiếp hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại để nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất. Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã bổ sung nhân sự, trực hotline để sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, nhằm ghi nhận thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bồi thường bảo hiểm.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.