Chỉ trong 5 tháng, xuất khẩu cà phê đã vượt mốc 2 tỉ USD

Xuất nhập khẩu
10:21 AM 06/06/2023

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 882 nghìn tấn, trị giá 2,02 tỉ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, theo ước tính, tháng 5/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 165 nghìn tấn, trị giá 396 triệu USD, tăng 0,9% về lượng, nhưng giảm 0,7% về trị giá so với tháng 4/2023, so với tháng 5/2022 tăng 15,7% về lượng và tăng 21,8% về trị giá.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 882 nghìn tấn, trị giá 2,02 tỉ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 5/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.399 USD/tấn, giảm 1,6% so với tháng 4/2023, nhưng tăng 5,3% so với tháng 5/2022. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta ước đạt mức 2.295 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ trong 5 tháng, xuất khẩu cà phê đã vượt mốc 2 tỉ USD - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Về cơ cấu chủng loại 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica giảm, nhưng xuất khẩu cà phê Excelsa và cà phê chế biến tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 4/2023 đạt xấp xỉ 145 nghìn tấn, trị giá 312,67 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và tăng 16% về trị giá so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam đạt 647,74 nghìn tấn, trị giá 1,29 tỷ USD, giảm 2,9% về lượng và giảm 2,0% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường Tây Ban Nha, Nhật Bản, Bỉ, Anh, Hà Lan giảm, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Đức, Italia, Hoa Kỳ, Nga tăng.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, giá cà phê tăng là do cung không đủ cầu. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện. Dự báo sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10%-15%/năm do thời tiết không thuận lợi. Ngoài ra, tình hình lạm phát thời gian qua làm cho giá nguyên, nhiên vật liệu đều tăng, nhất là giá vật tư nông nghiệp tăng từ 2 - 3 lần làm giá thành sản xuất, chế biến cà phê tăng cao dẫn đến giá bán tăng.

Ở thị trường trong nước, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên sau khi thiết lập đỉnh 64.000 đồng/kg hồi cuối tháng 5, nay đã giảm còn khoảng 61.000 đồng, vẫn là mức kỷ lục hơn 10 năm qua. 

Dù vậy, không chỉ nông dân mà một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho biết, họ không được hưởng lợi từ giá cà phê tăng. Tình hình thị trường cà phê biến động lớn như hiện nay, đặc biệt là chi phí tài chính quá cao, khiến các doanh nghiệp Việt không dám trữ hàng.

Xu hướng cà phê tăng giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng người dân mở rộng vùng trồng. VICOFA cũng cảnh báo, theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm cà phê xuất xứ từ vùng rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 30/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này.

Hiện nay các doanh nghiệp cà phê Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu mỗi năm 1,6 - 1,7 triệu tấn cà phê. Thị trường EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam, chiếm 45% tổng lượng cà phê xuất khẩu. Vì vậy, việc EU thông qua các quy định về phòng chống phá rừng, suy thoái rừng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tương lai.

Vì vậy, VICOFA đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh việc phổ biến các quy định, cảnh báo tới người dân và doanh nghiệp để các đơn vị chuẩn bị, bởi thời gian không còn nhiều khi quy định này sẽ được EU áp dụng cuối năm 2024.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.