Chia sẻ yêu thương để nhân lên hạnh phúc
Trong “cơn bão” COVID-19, nhiều cá nhân gắn bó với công tác thiện nguyện đã chọn cho mình những cách riêng để san sẻ yêu thương và nhân lên hạnh phúc. Những hành động đẹp của họ chính là minh chứng sinh động về tình yêu thương, nghĩa đồng bào của người dân đất Việt…
Qua hơn mười năm cầm bút, công việc của một phóng viên cho tôi nhiều cơ hội gặp gỡ và tìm hiểu về những hoạt động thiện nguyện trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đi nhiều, viết nhiều, nhưng có lẽ chưa khi nào ngòi bút viết về thiện nguyện lại tuôn chảy nhiệt huyết như thời gian này...
Không riêng gì cá nhân tôi, phóng viên của nhiều tờ báo khác cũng đang trong "guồng quay" đẹp đẽ ấy: Khiến những trang viết về sự san sẻ yêu thương nhân ái trong "cơn bão" COVID-19 chảy tràn trên rất nhiều phương tiện truyền thông, mạng xã hội và trong tâm của những người yêu thiện nguyện.
Chúng tôi đã gửi gắm qua mỗi bài báo của mình, theo những cách chân thật nhất, giúp độc giả thấy được những khó khăn, khốc liệt trong cuộc chiến chống dịch. Mặt khác, chúng tôi viết để những chia sẻ trong nghĩa tình thiện nguyện được lan tỏa, khiến những âu lo về dịch bệnh được xoa dịu bởi sự yêu thương, đùm bọc. Từ đó thắp lên niềm tin, sự ấm áp tình người trong gian khó.
Còn nhớ, khi dịch bệnh bùng phát, câu chuyện về cụ ông Nguyễn Văn Thái (90 tuổi, ngụ thôn Bắc Tiến, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đạp xe mang theo "món quà nhỏ" đến tặng khu cách ly ở Trường Mầm non xã Thạch Ngọc được đăng tải trên một tờ báo đã gây xúc động mạnh trong cộng đồng. Đồng nghiệp của chúng tôi viết rằng, "quà của cụ, dẫu chỉ là một bó rau muống, một mớ rau sống, một quả bầu, một kg gạo và 20.000 đồng tiền lẻ, nhưng đã khiến các cán bộ làm nhiệm vụ tại khu cách ly không cầm được nước mắt xúc động". Bởi đó là tấm lòng thiện nguyện, được trao đi từ một trái tim ấm áp.
Khi dịch bệnh leo thang, nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người giữa "bão dịch" được đăng tải, lan truyền với hiệu ứng tích cực. Như câu chuyện xúc động về "Cụ bà 84 tuổi năm ngoái xin thoát nghèo, nay góp 2 triệu đồng chống dịch COVID-19"; câu chuyện về "Hai học sinh đập heo đất ủng hộ 200 triệu phòng, chống COVID-19". Hay như câu chuyện về những "Chuyến xe nghĩa tình giá 0 đồng" có mặt trên những nẻo đường của Đà Nẵng để kịp thời hỗ trợ cho các y, bác sĩ tại các cơ sở y tế và người nghèo. Câu chuyện về Đại úy Lê Nhật Bão - Cảnh sát khu vực - Công an phường Chính Gián (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đi xin gạo, mỳ tôm, trứng hỗ trợ người nghèo giữa mùa dịch COVID-19 được nhiều người, đặc biệt cộng đồng mạng hết lòng ủng hộ, khen ngợi. Câu chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Chi (91 tuổi), trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng, đã dành số tiền 5 triệu đồng dành dụm được đóng góp phòng, chống dịch COVID-19...
Sau rất nhiều câu chuyện ấy, chúng tôi có chung cảm nhận rằng, những hoạt động thiện nguyện chan chứa yêu thương nhân ái nêu trên, luôn có hiệu ứng xã hội rất tốt. Nhiều phân khúc độc giả của chúng tôi đã thực sự có sự đồng cảm, cùng khơi dậy trong nhau tiềm thức về lòng nhân ái. Họ hành động để nhắc nhở nhau rằng, mỗi người nên biết trân trọng những gì mình đang có, sống có trách nhiệm hơn, biết chia sẻ hơn trong hoàn cảnh khó khăn.
Là người cầm bút, chúng tôi nhận thấy rằng, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, có thể sự ủng hộ, quyên góp có giá trị không giống nhau. Cũng có thể mỗi người có sự sẻ chia, sự tham gia góp sức khác nhau. Nhưng tất cả, đều có chung sự đồng nhất, đó là tính cộng đồng, là những nghĩa cử cao đẹp mang chất nhân văn truyền thống của người dân đất Việt.
Ở một góc độ khác, đó là trong những trang viết về thiện nguyện, chúng tôi đã dành khá nhiều phần nội dung để hỏi về tâm tư người làm việc thiện. Mỗi cá nhân, đều có một trải lòng riêng. Tuy nhiên, điểm chung là họ đều khẳng định mình sẽ tiếp tục làm thiện nguyện - không phải là để thỏa mãn cái "đam mê" nhất thời của cá nhân, hay để được trầm trồ khen ngợi. Mà làm vì sự thôi thúc từ bên trong, từ nhu cầu tự thân và trên hết là niềm tin yêu vào cuộc sống này vẫn còn thật nhiều.
Những người làm việc thiện đều hy vọng rằng, các hoạt động thiện nguyện của mình sẽ sưởi ấm, đem đến cho con người, cộng đồng những mảnh ghép của niềm tin vượt qua gian khó, vượt qua dịch bệnh.
Vẫn biết rằng, cuộc sống của mỗi chúng ta luôn có những bộn bề theo cách riêng, song hãy mở lòng để nghĩ rằng: Khi dịch COVID-19 đi qua, ngoài kia vẫn còn biết bao người nghèo khổ. Rất nhiều người còn thiếu thốn, rất nhiều người đang đau ốm bệnh tật cần được giúp đỡ. Mong rằng trong xã hội của chúng ta, mọi người hãy cùng kết nối trái tim nhân ái, cùng chung tay làm nhiều hơn nữa những hoạt động thiện nguyện "tương thân tương ái", để những người nghèo vơi bớt khó khăn, để khi bóng đêm dịch bệnh đi qua, bầu trời sẽ tươi sáng trở lại, một tương lai mới ấm áp tình người được mở ra, một chương mới trong cuộc đời mỗi người lại bắt đầu.
Nguyễn HạnhVới thông điệp “Cà Mau điểm đến an toàn, nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, khí hậu trong lành, vùng đất có những con người hiền hoà, nghĩa tình, giàu lòng mến khách”. Giải Marathon - Cà Mau 2024 Cúp PetroVietNam với chủ đề “Điểm hẹn Cà Mau” có trên 6.000 vận động viên tham gia ở các cự ly 1,2 km, 2,4 km (dành cho thiếu nhi) và 5 km, 10 km, 21 km và 42 km.