Chiến lược bền vững của các thương hiệu cao cấp
Ngành bán lẻ hàng xa xỉ (hàng cao cấp) trong những năm gần đây đang phục hồi tích cực khi các nhà bán lẻ liên tục sở hữu những bất động sản có "vị trí kim cương" trên những con phố nổi tiếng nhất thế giới.
Lấy ví dụ Tập đoàn bán lẻ cao cấp Kering - chủ sở hữu của Gucci, Bottega Veneta, Balenciaga và Saint Laurent - gần đây đã mua một tòa nhà 5 tầng trên phố Via Monte Napoleone của Milan với giá 1,3 tỷ Euro (1,4 tỷ USD). Việc này diễn ra ngay sau khi tập đoàn này mua lại một tòa nhà khác trên Đại lộ số 5 ở thành phố New York, Mỹ với giá 1 tỷ USD.

Trước đó, nhiều nhà bán lẻ hàng xa xỉ khác như LVMH và Chanel cũng đã sở hữu các cửa hàng đồ sộ tại Paris (Pháp), như phố Rue Saint Honoré, đại lộ Montagne, đại lộ des Champs Élysées và các địa điểm nổi tiếng khác.
Trên thực tế, các thương hiệu xa xỉ ở châu Âu đã chi hơn 9 tỷ USD để mua cửa hàng tại các địa điểm mua sắm hàng đầu thế giới kể từ đầu năm 2023, theo Công ty phân tích Bernstein Research.
Bà Sandra Ludwig, Giám đốc thị trường bán lẻ của JLL, cho biết: "Các tập đoàn bán lẻ xa xỉ lớn nhất hiện thế giới đang mua bất động sản hạng sang tại các thành phố lớn trên toàn cầu vì các thương hiệu này cần sự tồn tại bền vững và có quyền kiểm soát đối với tài sản của họ".
Một phần là do lợi nhuận lớn thu được mà không cần trích tiền thuê cửa hàng, giúp công ty vững mạnh hơn trên thương trường. Một trong 25 công ty bán lẻ lớn nhất toàn cầu, LVMH, đã tăng gần gấp đôi vốn hóa thị trường kể từ năm 2019 với doanh số hàng năm cho năm tài chính 2023 đạt khoảng 86 tỷ euro (92,7 tỷ USD) nhờ chiến lược "mua đứt" bất động sản này.
Du lịch quốc tế tăng trưởng cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy chiến lược này. Bất chấp lạm phát, người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiêu cho cả du lịch và mua sắm hàng hóa, theo báo cáo Quan điểm bất động sản toàn cầu của JLL.
Nhiều thương hiệu đang đầu tư cho cửa hàng vật lý khi họ hiểu rõ hơn về các mô hình kinh doanh đang phát triển và giá trị mà không gian bán lẻ vật lý mang lại.
Josefine Ulrich, Giám đốc Chiến lược và Hoạt động cho thuê bán lẻ của EMEA, cho biết: "Trong khi số lượng cửa hàng mới mở từ các nhà bán lẻ xa xỉ lớn giảm thì yêu cầu về vị trí và không gian cửa hàng lớn hơn lại được ưu tiên".
Bà Ulrich bổ sung, mặc dù cho thuê vẫn là một chiến lược phổ biến nhưng nó cũng đi kèm với độ rủi ro nhất định.
“Cửa hàng thuê có thể gặp rủi ro khi hết hạn hợp đồng thuê mặt bằng, bị loại khỏi cuộc chơi so với đối thủ sẵn sàng mua lại toàn bộ mặt bằng kinh doanh để đảm bảo những địa điểm này có thể tồn tại lâu dài mà không bị hết hạn hợp đồng cho thuê”.
Còn bà Ludwig cho biết, dựa theo biến động lợi nhuận và tiền mặt rảnh rỗi, việc các thương hiệu xa xỉ lớn tận dụng sức mạnh tài chính của mình và trở thành chủ sở hữu những vị trí đắc địa là xu hướng kinh doanh trong môi trường kinh doanh hiện tại.
“Chiến lược kinh doanh này giúp họ bảo vệ sự hiện diện lâu dài của mình tại các thành phố trọng điểm, đặc biệt là các điểm mua sắm uy tín”, bà nói.
Hơn nữa, những thương hiệu này ít phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những người mua bất động sản truyền thống, do lãi suất cao và thiếu vốn cốt lõi. Điều đó có nghĩa là họ có thể tận dụng nguồn vốn khả dụng đáng kể để đảm bảo đạt được những vị trí mong muốn.
Bà Ulrich cho biết, quyền sở hữu bất động sản cũng mang lại lợi ích là quyền tự chủ và quyền kiểm soát lớn hơn, cho phép các thương hiệu đầu tư vào thiết kế và bố cục cửa hàng mà không cần sự cho phép của chủ nhà hoặc phải đàm phán với những người thuê chung.
Bà Ulrich nhận định: “Việc mua lại có chọn lọc các vị trí đắc địa có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra, cùng với việc cải thiện bố cục và những trải nghiệm trong cửa hàng mà chúng ta đã quen thuộc”.
Minh An (JLL)
Ô tô sản xuất từ năm 2017 sẽ kiểm định khí thải từ ngày 1/1/2026, ô tô cũ hơn kiểm định ngay khi quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ô tô lưu hành ở Việt Nam có hiệu lực.