Chiến lược “đặc biệt” cho xuất khẩu sang 4 thị trường thuộc châu Âu - châu Mỹ
Bộ Công Thương đã xây dựng Chiến lược xuất khẩu "đặc biệt" sang 4 thị trường thuộc châu Âu - châu Mỹ để kịp thời điều chỉnh và thích nghi với những biến động không ngừng của thị trường thế giới và các xu hướng mới trong thương mại quốc tế.
Bộ Công Thương đánh giá, năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Về quốc tế, tình hình kinh tế vĩ mô khả quan hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng và tiêu dùng. Nhu cầu thị trường khu vực châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm; vấn đề hàng tồn kho cao đang dần được khắc phục.
Trong nước, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua ghi nhận nhiều kết quả tích cực; Việt Nam mới nâng cấp mối quan hệ lên Ðối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Bên cạnh đó, các nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong thời gian qua sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu của nước ta...
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã xây dựng 4 chiến lược xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực châu Âu - châu Mỹ gồm Hoa Kỳ, EU, Mỹ Latin và SNG (Cộng đồng các Quốc gia Độc lập) để kịp thời điều chỉnh và thích nghi với những biến động không ngừng của tình hình thị trường thế giới cũng như xu hướng mới trong thương mại quốc tế.
Đồng thời chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các thị trường, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường tại khu vực này.
Bám sát tình hình, cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường, chính sách ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.
Đáng chú ý, về nhóm giải pháp phát triển thị trường, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bên liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương triển khai 4 chiến lược phát triển 4 khu vực thị trường từ nay tới năm 2030, theo đó đồng bộ thực hiện các giải pháp về thông tin thị trường, tận dụng FTA đã ký kết, cũng như các khung khổ hợp tác sẵn có để đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và kênh phân phối.
Ngoài ra, công tác hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được triển khai theo hướng cụ thể và sâu sát theo từng thị trường và ngành hàng; tập trung tăng cường nhận thức của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu về các hướng tiếp cận mới với kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, nhằm mục đích thay đổi tư duy sản xuất của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển.
Song song với đó, khắc phục những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay về thông tin thị trường, khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, năng lực sản xuất để đảm bảo yêu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu…
Cuối cùng, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường, tận dụng các hiệp định thương mại tự do. Đây cũng là giải pháp nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, trong khó khăn càng phải chắt chiu những cơ hội, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa ưu đãi FTA để được hưởng nhiều lợi ích từ thuế suất thấp, ưu đãi từ cơ chế hỗ trợ giữa các thành viên ký kết FTA, thông qua việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan...
Minh An (t/h)Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.