Chiến lược giúp Thái Nguyên xếp thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/02/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Thái Nguyên là tỉnh xếp thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI trong 2 tháng đầu năm.
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 2 tháng đầu năm 2022. Thái Nguyên mặc dù không thu hút được dự án mới, xong với 2 dự án điều chỉnh vốn quy mô lớn, Thái Nguyên xếp thứ hai với gần 924 triệu USD, chiếm gần 18,5% tổng vốn đầu tư của cả nước.
Một trong hai dự án điều chỉnh vốn quy mô lớn đó là dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình. Cụ thể, nhà đầu tư Hàn Quốc đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD, giúp Thái Nguyên trở thành địa phương có vốn đầu tư FDI lớn thứ 2 cả nước tính từ đầu năm.
Trong năm 2021, Thái Nguyên đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 27 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn lên đến trên 1 tỷ USD. Cùng với đó, tổng số dự án FDI trên địa bàn Thái Nguyên còn hiệu lực đến hết năm 2021 là 170 dự án, với tổng vốn đã đăng ký đạt trên 9,67 tỷ USD.
Nhờ vào việc nhà đầu tư Hàn Quốc nâng mức đầu tư tại Dự án Samsung Electro-Mechanics ở Khu công nghiệp Yên Bình thêm 920 triệu USD đã nâng tổng số vốn FDI đã đăng ký đến nay tại Thái Nguyên còn hiệu lực đạt gần 10 tỷ USD.
Để thu hút được vốn đầu tư FDI như vậy, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện các chiến lược và giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quyết định của tỉnh đã ban hành có liên quan đến thu hút nguồn vốn FDI.
Cụ thể, theo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, tỉnh đã thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư của tỉnh. Trong đó, tỉnh lấy trọng tâm là hạ tầng về giao thông, các khu, cụm công nghiệp, điện, hạ tầng xã hội quanh các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành các thủ tục để mở rộng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Trong năm 2021, Thái Nguyên đã quyết định thành lập 7 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư gần 3.193 tỷ đồng. Các khu công nghiệp đó gồm cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2 thuộc thị xã Phổ Yên; cụm công nghiệp Lương Sơn thuộc thành phố Sông Công; cụm công nghiệp Thượng Đình, Hạnh Phúc - Xuân Phương thuộc huyện Phú Bình,...
Trên thực tế, tỉnh đã cung cấp 100% dịch vụ hành chính công mức độ 4 đủ điều kiện, có Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng nền tảng công dân số. Đặc biệt, Thái Nguyên có mục tiêu đưa tỉnh nằm trong top đầu của cả nước về chuyển đổi số. Những cam kết đổi mới đang được hiện thực hoá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết doanh nghiệp tư nhân trong nước với các doanh nghiệp FDI.
Không chỉ vậy, tỉnh Thái Nguyên còn thực hiện nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường và đối tác đầu tư. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng tài liệu, cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến đầu tư và tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách đầu tư.
Ngoài ra, Thái Nguyên luôn chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Để phát triển nhân lực chất lượng cao, Thái Nguyên đưa ra chủ trương, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, từng bước hình thành các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Thái Nguyên luôn khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo trên địa bàn để có được nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về nguồn lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và nhà máy của Tập đoàn Samsung.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện quy hoạch hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn, nâng cao tần suất, phạm vi sàn giao dịch việc làm, chủ động kết nối với các trung tâm dịch vụ việc làm khu vực và trên toàn quốc.
Đối với định hướng thị trường đầu tư, tỉnh đi theo chủ trường tập trung kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, sử dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, có tầm ảnh hưởng lớn ở các khu vực, các nền kinh tế hiện đại như các nhà đầu tư khối EU, Mỹ,... và các nền kinh tế lớn ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp FDI yên tâm đầu tư trên địa bàn, Thái Nguyên đã kiến nghị Chính phủ quan tâm ưu tiên bổ sung vaccine để tỉnh triển khai tiêm cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp luôn được ưu tiên vaccine để nâng cao khả năng kiểm soát, phòng chống dịch, duy trì chuỗi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đại hội Sales và Marketing toàn quốc VSMCamp và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing CSMOSummit năm 2024 đã khép lại sau hai ngày tổ chức với gần 50 bài tham luận và phiên tham luận lớn nhỏ. Sự kiện tiếp tục ghi dấu một mùa thành công khi đã thu hút gần 1000 lượt người tham dự, cùng hàng trăm tin tức được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.