Chiến lược phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Quyết định cũng nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Đối với lĩnh vực công nghiệp than: Tập trung phát triển các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí "Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao". Liên thông các mỏ lộ thiên, hầm lò thành các mỏ có công suất lớn (mỏ lộ thiên công suất trên 3,0 triệu tấn/năm; mỏ hầm lò công suất trên 2,0 triệu tấn/năm). Tiếp tục đầu tư các mỏ than theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 sản xuất được 195,019 triệu tấn than thương phẩm, nhập khẩu 48,183 triệu tấn và tiêu thụ 243,060 triệu tấn.
Đẩy mạnh thăm dò, đánh giá trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn Tập đoàn hoàn thành 5 đề án thăm dò mỏ than và xin cấp phép mới 9 đề án thăm dò.
Lĩnh vực công nghiệp khoáng sản: Phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp kim loại màu tại Việt Nam và khu vực với khối lượng kim loại màu toàn Tập đoàn giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến sản xuất được 138.958 tấn đồng tấm, 6.839 nghìn tấn Alumina.
Tập trung khai thác hiệu quả 2 dự án alumin Lâm Đồng và alumin Đắk Nông, cường hóa/nâng công suất các nhà máy. Đầu tư mở rộng các dự án Tân Rai, Nhân Cơ theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Tập trung làm việc với các bộ ngành, địa phương để tiếp tục xử lý các dự án khai thác, chế biến khoáng sản còn vướng mắc như: khai thác mỏ cromit Cổ Định; mỏ sắt Thạch Khê; mỏ titan Bình Thuận, mỏ đất hiếm Đông Pao.
Lĩnh vực công nghiệp điện: Quản lý, vận hành các nhà máy điện hiện có đảm bảo an toàn, phát huy công suất thiết kế. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 toàn Tập đoàn sản xuất được 49.405 triệu kWh (trung bình 9.881 triệu kWh/năm). Nghiên cứu triển khai một số lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp, tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở phát huy giá trị cốt lõi, thế mạnh của Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất Mỏ, phát triển dịch vụ nổ mìn đáp ứng nhu cầu của Tập đoàn và nền kinh tế đất nước; phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 sản xuất được 564 nghìn tấn thuốc nổ.
Đẩy mạnh xuất khẩu Amoni Nitrat, phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 sản xuất được 925 nghìn tấn nguyên liệu Amoni nitrat.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quyết định cũng nêu rõ các giải pháp thực hiện. Theo đó, giải pháp về quản trị và quản lý doanh nghiệp bao gồm: Chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến và nhu cầu của thị trường, đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả. Chủ động cập nhật thông tin, khảo sát, phân tích và dự báo thị trường làm cơ sở để định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường quản lý tài nguyên, chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại. Duy trì tốt mối quan hệ với bạn hàng, đối tác truyền thống; chủ động trong quan hệ quốc tế, phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm ở trong nước và ngoài nước.
Thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động như thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ khâu đào lò, khai thác và vận tải tại các mỏ than hầm lò. Đầu tư thiết bị đồng bộ, công suất lớn và băng tải hoá khâu vận tải tại các mỏ lộ thiên; tự động hóa tối đa các nhà máy sàng tuyển, Điện lực, Alumina, hoá chất, xi măng và tối ưu hoá mô hình tổ chức quản lý các cấp để tiếp tục tiết giảm lao động, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm.
Tập đoàn thực hiện các giải pháp tài chính. Bên cạnh phương thức huy động truyền thống từ nguồn tín dụng thương mại, TKV mở rộng thêm các kênh huy động vốn dài hạn khác như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn cho Tập đoàn và các công ty con.
Giải pháp về đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, triển khai các hệ thống tự động hóa giám sát, điều khiển cục bộ tại các đơn vị sản xuất. Xây dựng các hệ thống giám sát điều khiển tập trung đồng bộ, tích hợp tại các đơn vị; áp dụng tự động hóa gắn với sản xuất thông minh dựa trên nền tảng số hoá.
Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin trong toàn Tập đoàn theo mô hình Trung tâm dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây với hạ tầng truyền thông tốc độ cao, hệ thống lưu trữ dữ liệu theo các công nghệ hiện đại, có khả năng lưu trữ và xử lý được dữ liệu lớn, đáp ứng xu hướng hội nhập và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; trong đó, ưu tiên tập trung các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tìm kiếm, thăm dò, phục vụ khai thác than đồng bằng sông Hồng, nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa, tự động hoá, tin học hoá; nghiên cứu chế tạo, nội địa hoá các vật tư, thiết bị để thay thế hàng hoá nhập khẩu..
Ngoài ra, Tập đoàn đồng bộ thực hiện các giải pháp về đầu tư; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội; Giải pháp về bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh... phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan để thực hiện kế hoạch phát triển.
Thanh ThủyBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.