Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam trong năm 2023
Năm 2022, ngành Thủy sản đã đạt được những kết quả ấn tượng, nhưng ngành sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023. Do đó, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2023 và có nhiều chiến lược để đạt được mục tiêu này.
Ngành Thủy sản đã đạt được những kết quả ấn tượng trong năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD). Đây là con số cao nhất từ trước đến nay ngành đạt được.
Đó là nhờ ngành Thủy sản đã xử lý tốt những vấn đề mang tính phát sinh, nhất là về thị trường. Trong đó, khi tình hình dịch COVID-19 có dấu hiệu lắng xuống, ngành Thủy sản đã nhanh chóng tiếp cận thị trường ngoài nước, đồng thời, thúc đẩy thị trường trong nước. Những hoạt động của ngành Thủy sản được triển khai một cách trọng tâm, trọng điểm.
Kết quả ngành Thủy sản đạt được trong năm 2022 chính là tiền đề, nền tảng để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, chỉ đạo việc thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội nghị Tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Tổng cục Thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định: "Khi lạm phát tăng cao, ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng, giá vật tư đầu vào cao... dù đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD cho năm 2023, nhưng ngành vẫn phải linh hoạt, sáng tạo để quyết định tăng tốc trong thời điểm thích hợp".
Để đạt được các mục tiêu đề ra, nhiều chuyên gia đã đề xuất các chiến lược phát triển ngành trong năm 2023. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề xuất, toàn ngành Thủy sản sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, tập trung tham mưu Lãnh đạo Bộ NN&PTNT các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển.
Triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030; Đề án cá tra 3 cấp, nuôi biển, tôm hùm, tôm càng xanh và các chương trình đề án, dự án khác.
Muốn đạt kết quả cao cần theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường, kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt các mục tiêu kế hoạch năm 2023. Tiếp tục chỉ đạo phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế.
Bên cạnh đó, tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa, các vùng xâm nhập mặn mới hình thành do biến đổi khí hậu không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Theo dõi và nắm chức tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản, chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả.
Ngoài ra, ông Phùng Đức Tiến cho hay, nền kinh tế nói chung và thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn từ tháng 8/2022. Trên cơ sở phân tích các kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức mà ngành sẽ phải đối mặt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp sát với tình hình thực tiễn để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu của 2023.
Đồng thời yêu cầu, ngành thủy sản cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và các thành phần liên quan để cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Bên cạnh đó, ngành cần coi "thẻ vàng" IUU là một cơ hội để thay đổi tư duy, và phát triển bền vững hơn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.