Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại
Ngày 5/12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Thành ủy Hà Nội phối hợp tổ chức buổi họp báo giới thiệu về Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại.
Hội thảo diễn ra ngày 9/12, tại hội trường Bộ Quốc phòng, với khoảng 650 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 20 nhân chứng lịch sử. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, giúp khẳng định và làm rõ tầm nhìn chiến lược, chủ trương lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt; khả năng điều hành chiến tranh tài tình linh hoạt, nhạy bén của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồi Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng khi quyết định mở Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - cho biết: Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972" - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại" sẽ tập trung vào những vấn đề chính sau:
Thứ nhất, làm rõ bối cảnh tình hình trong nước và phân tích âm mưu, thủ đoạn, kế hoạch tác chiến của đế quốc Mỹ khi tiến hành cuộc tập kích chiến lược bằng không quân, được gọi là "Chiến dịch Linebacker II đánh phá Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và địa bàn lân cận".
Thứ hai, làm rõ đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng khi quyết định mở Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời, phân tích, làm rõ quá trình chuẩn bị và tổ chức sử dụng lực lượng, sự phối hợp tạo thành sức mạnh tổng hợp dễ giành thắng lợi;...
Thứ ba, tái hiện cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta; với ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Làm rõ cách đánh linh hoạt của quân và dân ta trong chiến dịch như nắm chắc ý đồ của địch; chủ động, sáng tạo kịp thời phát hiện địch từ xa, huy động sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân, thế trận an ninh nhân dân để đối phó hiệu quả với những thủ đoạn đánh phá của địch, giành thắng lợi…
Thứ tư, đánh giá tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học lịch sử, bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo xây dựng, tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến dịch để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thông tin tại buổi họp báo, đại diện Ban Tổ chức cho biết, đến nay, Viện Lịch sử quân sự đã xây dựng chủ đề cụ thể tại Hội thảo, với tổng số 135 bài. Bao gồm, 05 bài khung và 125 bài tham luận. Trong đó, tham luận thuộc Bộ Quốc phòng gồm 73 bài; tham luận thuộc Bộ Công an gồm 39 bài và tham luận là đại biểu dân sự 18 bài. Đặc biệt, sẽ có 05 ý kiến nhân chứng lịch sử được trình bày tại Hội thảo.
Các tham luận tại Hội thảo được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng. Nội dung các tham luận chỉ rõ tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, khắc phục khó khăn của các lực lượng tham gia chiến dịch; vai trò của quân và dân trên địa bàn chiến dịch cũng như cả nước, góp phần làm rõ tư liệu, sự kiện.
Thông tin từ Ban Tổ chức cho biết, các hoạt động bên lề Hội thảo cũng rất ý nghĩa. Theo đó, các đại biểu sẽ thăm, tặng quà 09 gia đình chính sách trên địa bàn thành phố Hà Nội; dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ tại khuôn viên Quân chủng Phòng không - Không quân.
Nguyễn HạnhViệt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí và có các động lực để trở thành một nền kinh tế "con hổ" khu vực châu Á. Nhưng để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục, cải thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện các cải cách chính sách.