Chile đang rộng cửa đón cá ngừ Việt Nam
Chile là một trong số ít các thị trường xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam duy trì được sự tăng trưởng tốt trong năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này năm 2023 đạt gần 16 triệu USD, tăng 87%.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Chile là một trong ít các thị trường xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam duy trì được tăng trưởng tốt trong năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Chile đạt gần 16 triệu USD, tăng 87% trong năm ngoái. Hiện Chile là thị trường lớn thứ 13 trong 109 nơi nhập khẩu cá ngừ Việt Nam.
Trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Chile, nhóm cá ngừ chế biến và đóng hộp có xu hướng tăng mạnh, ở mức 192% so với năm trước đó. Các sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh và khô cũng tăng nhưng ở mức chậm hơn, khoảng 46%.
Theo VASEP, lạm phát tại Chile ở mức thấp nếu so sánh với bối cảnh chung ở nhiều nước. Trong nửa cuối 2023, chỉ số giá tiêu dùng của nước này giảm liên tục. Những điều này đang thúc đẩy tiêu dùng tại Chile, trong đó có nhu cầu tiêu thụ cá ngừ.
Bên cạnh đó, thị trường Chile chưa đòi hỏi khắt khe về chất lượng hàng hóa như Mỹ, Nhật Bản, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), tạo thuận lợi lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Chile cho biết, nước này là thị trường xuất khẩu tiềm năng của các mặt hàng tiêu dùng Việt Nam, bởi trong những năm gần đây mức sống của người dân tăng cao.
Chile là một trong những quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Việt Nam. Do đó, VASEP đánh giá, doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang có lợi thế hơn các nước khi được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo báo cáo mới công bố từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), ngành cá ngừ Việt Nam khép lại năm 2023 với sự tăng trưởng nhẹ trong tháng cuối năm; tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 73 triệu USD. Như vậy, cả năm 2023 ngành cá ngừ Việt Nam thu về 845 triệu USD, giảm 17% so với năm 2022.
Nhận định về năm 2024, các chuyên gia VASEP chia sẻ, đây là năm có nhiều khó khăn, nhất là việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Ngoài ra, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm nhiệt, tuy nhiên căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải tăng cao sẽ khiến cho giá cá ngừ thành phẩm vẫn sẽ cao.
Trong khi đó, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm nên nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tại nhiều nước chưa có dấu hiệu hồi phục; cạnh tranh tại các thị trường ngày càng gay gắt và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao. Tất cả các yếu tố này sẽ kìm hãm sự phục hồi xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.
VASEP thông tin, tháng 12/2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng so với cùng kỳ như EU, Nga, Chile hay Philippines…. Trong khi xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Nhật Bản hay Israel… giảm, tuy nhiên mức giảm không cao.
Huyền My (t/h)Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) vừa công bố báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý IV/2024. Theo đó, chỉ số BCI đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, tăng từ 46,3 trong quý IV/2023 lên 61,8 trong quý IV/2024.