Chính phủ cấp phép khai thác 1 triệu tấn quặng sắt mỏ Quý Sa
Mục đích cấp phép khai thác nhằm tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu quặng sắt, duy trì hoạt động của Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Ngày 3/1, Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai cho biết, Chính phủ đã chấp thuận đề xuất của UBND tỉnh Lào Cai cho phép khai thác 1 triệu tấn quặng sắt tại mỏ sắt Quý Sa, thuộc xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn.
Quyết định này được đưa ra để tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất của Nhà máy gang thép Việt-Trung, thuộc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt-Trung (VTM), tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị quyết số 164/NQ-CP, ngày 29/12/2021 về việc cho phép Công ty VTM được hoãn, giãn thời hạn thực hiện các nghĩa vụ theo quy định khi Giấy phép khai thác hết hạn; giãn tiến độ hoàn thành việc đầu tư các hạng mục công trình của Dự án theo Giấy phép đầu tư, khai thác tối đa 1 triệu tấn quặng sắt tại mỏ Quý Xa để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Lào Cai, nghiêm cấm xuất khẩu khoáng sản thô.
Thời gian khai thác tối đa là 1 năm, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực. Việc khai thác phải bảo đảm an toàn, môi trường, quốc phòng, an ninh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định.
Trong thời hạn 1 năm, Công ty VTM phải hoàn thành Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, khắc phục các tồn tại, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp Dự án sau khi tái cơ cấu đủ điều kiện tiếp tục hoạt động, yêu cầu VTM hoàn thiện hồ sơ cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định, bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định cho Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Trường hợp sau thời hạn nêu trên, Công ty vẫn không hoàn thành đề án tái cơ cấu, Dự án không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Công ty VTM khai thác quặng sắt mỏ Quý Xa theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1226/GP-BTNMT, ngày 16/8/2007 do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, thời hạn đến hết năm 2020.
Tại thời điểm Giấy phép khai thác hết hạn, Công ty VTM không đủ điều kiện gia hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 39 và điểm b khoản 2 Điều 51 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Cùng với đó, Công ty VTM chưa triển khai đầu tư dây chuyền cán thép theo đúng Giấy chứng nhận đầu tư. Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai thuộc diện các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương. Việc cấp lại Giấy phép khai thác mỏ sắt Quý Xa chỉ được xem xét sau khi Công ty VTM hoàn thành Đề án tái cơ cấu được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Hiện nay, đề án tái cơ cấu Công ty VTM đang hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền quyết định, Công ty vẫn đang dừng khai thác quặng sắt tại mỏ Quý Xa; từ đầu tháng 9/2021 đến nay, Nhà máy Gang thép Lào Cai đã tạm dừng hoạt động do không có quặng sắt để sản xuất.
Công ty VTM có vốn điều lệ 52,5 triệu USD, được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam (chiếm 46,85%); Công ty Cổ phần Khoáng sản Lào Cai (chiếm 8,15%) và Công ty hữu hạn khống chế Cổ phần gang thép Côn Minh-Trung Quốc (chiếm 45%) hoạt động theo Giấy Chứng nhận đầu tư ngày 18/5/2006 do Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp, thời gian hoạt động 40 năm để thực hiện Dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Theo Giấy Chứng nhận đầu tư, dự án gồm các hạng mục: Đầu tư khai thác mỏ sắt Quý Xa công suất khai thác 1,5-3 triệu tấn quặng sắt/năm; xây dựng nhà máy tuyển quặng deluvi công suất 300.000 tấn quặng nguyên khai/năm; đầu tư xây dựng vận hành phân xưởng gang tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng công suất 500.000 tấn gang/năm (vào 2008-2009); xây dựng xưởng luyện thép công suất 500.000 tấn phôi thép/năm (vào 2012); đầu tư xây dựng dây chuyền cán thép công suất 500.000 tấn thép/năm (vào 2015).
Anh VũDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.