Chính phủ chỉ thị rà soát hoạt động gây quỹ từ thiện xong trước 15/10
Mới đây, Nghị quyết số 127/NQ-CP của Chính phủ đã giao Bộ Tài chính rà soát các quy định về quản lý tài chính, đối với hoạt động vận động gây quỹ từ thiện
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 127 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021.
Rà soát quy định quản lý tài chính các hoạt động gây quỹ từ thiện
Đáng chú ý, Nghị quyết của Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát các quy định về quản lý tài chính đối với hoạt động vận động gây quỹ từ thiện; kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý, bảo đảm công khai, minh bạch, giải quyết các vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/10/2021. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008 trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, địa phương đẩy nhanh triển khai Nghị quyết 68/2021 và Nghị quyết 116/2021 về các chính sách hỗ trợ người lao động, chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đề xuất giải pháp khắc phục sự đứt gãy thị trường lao động để phục hồi sản xuất và kinh tế.
Tiếp tục triển khai kịp thời và hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sớm ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các bộ, cơ quan, địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và đưa vào hoạt động ngay từ tháng 10/2021.
Phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng Đề án và tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2021; đánh giá bước đầu về hiệu quả các gói hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 để đề xuất phương án điều chỉnh phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/10.
Tổ chức dạy và học trực tiếp tại vùng không có dịch
Tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn ngay từ tháng 10/2021.
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn để các trường học dạy học trực tiếp trở lại phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, có giải pháp cụ thể, hiệu quả, quan tâm hơn đến công tác tuyển sinh hệ cao đẳng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai kịp thời, hiệu quả Chương trình "Sóng và máy tính cho em", bảo đảm đúng đối tượng, hỗ trợ thiết thực cho học sinh, sinh viên khó khăn có đủ điều kiện học tập trực tuyến.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, cơ quan, địa phương nghiên cứu, đề xuất thí điểm từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vắc-xin và điều kiện tiêm chủng vắc-xin; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2021, tạo điều kiện khẩn trương khôi phục thị trường du lịch sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh.
Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm
Chính phủ giao Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan thanh tra, các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Quản lý chặt chẽ việc mua sắm, viện trợ thiết bị, vật tư, sinh phẩm, vắc-xin có hiệu quả và đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng và kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền những vấn đề phát sinh.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý đối với thuốc, vật tư y tế, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến hiệu quả chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch.
Trước mắt, khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề giá xét nghiệm, kit xét nghiệm Covid-19 được dư luận quan tâm thời gian qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục thông tin kịp thời đến dư luận, bảo đảm công khai, minh bạch.
Cũng vấn đề này, Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch vừa qua để chống lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Hồng NhuậnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.