Chính phủ của dân, do dân và vì dân, "đại biểu cho toàn dân"
Những cảm xúc thiêng liêng của ngày tuyên bố đất nước độc lập 78 năm về trước (2/9/1945) luôn nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ có gắn bó chặt chẽ với lợi ích của nhân dân và dân tộc thì chính quyền mới có cơ sở chính đáng để tồn tại. Chỉ có phụng sự nhân dân, luôn ý thức bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc thì chính quyền mới thực sự là “của dân, do dân và vì dân”, “đại biểu cho toàn dân”.
Từ Chính quyền đại biểu cho toàn dân
Công bố trước quốc dân, đồng bào cả nước vào ngày 2/9/1945, "Tuyên ngôn độc lập" đã đánh dấu sự thiết lập hình thái chính thể hiện đại, "Dân chủ cộng hòa", ở nước ta. Chính phủ lâm thời là một dạng thức chính quyền mới, do nhân dân lập ra, thực thi công quyền thông qua các đại diện chính trị, tôn trọng ý chí và nguyện vọng của đông đảo các lực lượng xã hội, hoạt động vì lợi ích của nhân dân và dân tộc.
Những lập luận đanh thép trong bản "Tuyên ngôn độc lập" không chỉ khẳng định tính tất yếu phải loại bỏ hệ thống chính quyền thực dân, nửa phong kiến trên lãnh thổ Việt Nam, mà còn khẳng định bản chất cốt lõi của hệ thống chính quyền dân chủ: "Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam". Cũng có nghĩa, nếu chính quyền chỉ tập trung vào chức năng cai trị, đàn áp dân chúng để bảo vệ các lực lượng cầm quyền, nhờ đó tiếp tục sống ký sinh trên lưng nhân dân và dân tộc thì sẽ không có bất cứ lý do gì để tồn tại.
Trong nửa cuối tháng 8/1945, sự sụp đổ nhanh chóng của hệ thống chính quyền thực dân, nửa phong kiến trên địa bàn cả nước trong thời gian ngắn cho thấy sự cạn kiệt tính chính danh của một hệ thống chính quyền phản động, quay lưng với lợi ích của nhân dân và dân tộc. Chính bản chất hủ bại của các lực lượng cai trị khi đó đã trở thành động lực then chốt nhất để nhân dân tự giác tập hợp dưới ngọn cờ Việt Minh, cùng hướng tới một hình thái chính quyền mới, có thể gắn bó mật thiết với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Những cảm xúc thiêng liêng của ngày tuyên bố đất nước độc lập 78 năm về trước luôn nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ có gắn bó chặt chẽ với lợi ích của nhân dân và dân tộc thì chính quyền mới có cơ sở chính đáng để tồn tại. Chỉ có phụng sự nhân dân, luôn ý thức bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc thì chính quyền mới thực sự là "của dân, do dân và vì dân", trở thành "chính quyền nhân dân". Bản tuyên ngôn độc lập cũng chuyển đến các thế hệ sau này một thông điệp sẽ mãi vẹn nguyên giá trị: Nếu một chính quyền thực sự đại biểu cho nhân dân, chỉ hành động vì dân, thì chắc chắn sẽ được ủng hộ và bảo vệ bởi "toàn thể dân tộc Việt Nam" bằng "tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải".
Đến Chính phủ khóa XV cùng nhân dân vượt khó
Được kiện toàn và bầu sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025 đối diện với muôn vàn khó khăn. Trên bình diện toàn cầu, “Đại dịch COVID-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga-Ukraine diễn biến phức tạp; hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, dẫn đến suy giảm tăng trưởng và gia tăng rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế”. Ở trong nước, nền kinh tế-xã hội “phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, rất gay gắt, nặng nề; hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng; vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý các yếu kém, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước để lại, vừa phải lo phục hồi và phát triển kinh tế”.
Tinh thần hành động quyết liệt, đã được đẩy lên mức độ cao hơn với Chính phủ khóa XV. Những thách thức từ bối cảnh đất nước trong 3 năm qua đã tạo ra hiện tượng thu mình, an phận trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Để đẩy lui tâm lý thủ thế, sợ sai trong đội ngũ cán bộ khối hành pháp, Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn bày tỏ quan điểm, thái độ, và hành động quyết liệt. Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải ngày 27/4/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Không nói không, không nói khó và không nói có mà không làm”. Không chỉ phát động, động viên, thúc giục, lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ đạo đốc thúc các cơ quan chức năng, sớm hoàn thiện Nghị định khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá nhằm tạo cơ sở pháp lý cho những cán bộ có năng lực và thực sự khát khao hành động phụng sự nhân dân.
Thực hiện các chủ trương lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh dịch bệnh bất thường, Chính phủ khóa XV đã cho thấy khả năng thích ứng linh hoạt với diễn biến thực tế trong quá trình kiểm soát và đẩy lui COVID-19. Sau khi nhận ra cách tiếp cận
“khoanh vùng, dập dịch” được thực hiện từ đầu năm 2020 không còn phù hợp, Chính phủ đã khẩn trương chuyển sang chiến lược chung sống với dịch bệnh từ giữa năm 2021. Trong số rất nhiều nỗ lực hành động vì dân, nổi bật và thành công ngoạn mục nhất chính là “ngoại giao vaccine”, mà đội ngũ cán bộ chính phủ đảm nhiệm vai trò then chốt nhất, đã vượt quá mọi kỳ vọng, góp phần quyết định giúp nhân dân cả nước thực sự yên tâm trở lại trạng thái bình thường mới từ đầu năm 2022.
Để sớm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, Chính phủ đã tích cực đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, các lực lượng xã hội để nắm bắt chính xác hiện trạng hoạt động và nhu cầu khác nhau, từ đó ban hành các chính sách hỗ trợ. Đáng chú ý nhất, ngày 30/1/2022, chỉ 19 ngày sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi kinh tế-xã hội lớn nhất từ trước đến nay. Với quy mô 350.000 tỷ đồng, Chính phủ tập trung vào 5 nhóm giải pháp hỗ trợ, bao gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Mặc dù tiến độ thực hiện còn chậm nhưng không thể phủ nhận việc sớm ban hành gói phục hồi kinh tế - xã hội đã khẳng định sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp, trở thành một điểm tựa then chốt cho cộng đồng doanh nghiệp, và cả nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
Một điểm sáng đáng chú ý nữa trong nửa đầu nhiệm kỳ của Chính phủ khóa XV là những chính sách coi trọng an sinh xã hội. Để hỗ trợ các nhóm xã hội yếu thế vượt qua khó khăn gây ra bởi đại dịch, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng. Ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Mới đây, để góp phần giúp các nhóm xã hội yếu thế có thể ổn định cuộc sống về lâu dài, Chính phủ ban hành Quyết định 338/QĐ-TTg, ngày 3/4/2023, phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Phụng sự nhân dân
Cứ đến ngày 2/9 hằng năm, những âm hưởng hào hùng của ngày Quốc khánh lại làm trỗi dậy khát vọng về một hình thái “chính quyền nhân dân”, một hệ thống công quyền luôn ý thức về sứ mệnh đại biểu cho ý chí và lợi ích của toàn thể nhân dân và dân tộc Việt Nam. Lịch sử nhân loại cũng cho thấy, chỉ gắn bó chặt chẽ với nhân dân, phụng sự nhân dân thì hệ thống chính quyền mới được bảo đảm tính “nhân dân” - cơ sở cho sự tồn tại chính đáng và bền vững của hệ thống công quyền.
Một chính quyền nhân dân tất yếu phải là chính quyền hành động. Điều này đã và đang được chứng minh với Chính phủ khóa XV. Hành động vì dân của chính quyền phải là những phản ứng chính sách bám sát nhu cầu thực tiễn, đáp ứng đúng nguyện vọng của các nhóm, tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Đích đến của các chính sách phải là bảo đảm mọi người dân được ấm no và hạnh phúc hơn.
Bổn phận của chính quyền là phụng sự nhân dân nên những vấn nạn lạm quyền, tiêu cực, tham nhũng chính là biểu hiện xa dân. Chúng ta cần trung thực nhìn nhận rằng, những cán bộ lạm dụng công quyền để mưu lợi riêng là những người đã phản bội niềm tin chính trị, cũng như sự kỳ vọng của nhân dân về một chính quyền “của dân, do dân, và vì dân”. Vì thế, phòng, chống lạm quyền, đẩy lui tiêu cực, tham nhũng chính là những nỗ lực cần thiết để khôi phục tính liêm chính công quyền, góp phần củng cố và vun đắp lòng tin của nhân dân, định hình lại sứ mệnh phục vụ nhân dân của chính quyền.
Kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, điều quan trọng nhất mà Chính phủ và hệ thống chính quyền trong cả nước cần ghi nhớ, ấy là phải hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân vì một Việt Nam ngày càng hùng cường thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.
TS. Nguyễn Văn Đáng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.