Chính phủ dành khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới

Chính sách
09:21 AM 29/05/2024

Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cho biết: Tính đến hết năm 2023, Chính phủ đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Chính phủ dành khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XV.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XV sáng nay, 20/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.

Về đánh giá bổ sung kết quả năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tình hình KTXH những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023

Về kết quả đạt được những tháng đầu năm 2024, trong đó, về kinh tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu NSNN đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỷ USD.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây[4]. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế[5]; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khả quan. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và cung ứng điện, xăng dầu được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt. Thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển khá.

Hoạt động dịch vụ vận tải được cải thiện, nhất là vận tải đường sắt có nhiều đổi mới. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Phát triển kết cấu hạ tầng KTXH được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia

Chính phủ dành khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới- Ảnh 2.

Phát triển kết cấu hạ tầng KTXH được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia; trong đó khởi công dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, mở rộng Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đưa vào khai thác đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (30 km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (79 km), nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2.000 km. Công tác quy hoạch tiếp tục được chú trọng triển khai; có 110/111 quy hoạch đã hoàn thành viêc lập, thẩm định, phê duyệt; hầu hết quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh được phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện, đặc biệt là đã phê duyệt toàn bộ 06 quy hoạch vùng KTXH và trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc làm; thu nhập của người lao động tăng lên. Quan tâm phát triển thị trường lao động ngoài nước. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần tạo việc làm, sinh kế cho người dân .

Tập trung triển khai các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được triển khai tích cực. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, người nước ngoài.

Tổ chức triển khai Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, không ngừng, không nghỉ và đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là công tác thu hồi tài sản cho nhà nước, gắn công tác phòng, chống tham nhũng với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố, đưa ra xét xử nhiều vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực

Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực. Trong đó, đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam được triển khai và đạt kết quả bước đầu. Ba nhà máy phân đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi. Ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về xử lý Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy.

Tích cực tháo gỡ các vướng mắc của nhiều dự án điện, năng lượng quan trọng, trong đó Dự án điện khí Lô B - Ô Môn đã được phê duyệt quyết định đầu tư, ký kết hợp đồng mua, bán điện, khí; Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã triển khai tái cấu trúc quản trị, điều hành, tối ưu hóa sản xuất kinh doanh; Dự án điện Long Phú 1 đang đàm phán, xử lý vướng mắc để sớm tái khởi động…

Bên cạnh những kết quả nêu trên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế như: tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh. Tăng trưởng kinh tế còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản phục hồi chậm...

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung vào 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, ưu tiên hàng đầu vẫn là thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn