Chính phủ đồng ý mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine Pfizer
Gần 20 triệu liều vaccine Pfizer phòng COVID-19 sẽ được mua theo hình thức chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt tại Luật Đấu thầu.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về mua bổ sung vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer
Cụ thể, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua bổ sung 19.998.810 liều vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về mua vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các nội dung trong Tờ trình số 341/TTr-BYT ngày 03 tháng 8 năm 2021 và khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống mọi tiêu cực trong quá trình mua, sử dụng vaccine.
Tính từ tháng 2 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 16 triệu liều vaccine phòng COVID-19, gồm vaccine AstraZeneca, Sputnik-V, Pfizer/BioNTech, Moderna, Vero Cell.
Trong số 8.681.300 liều vaccine do Cơ chế COVAX hỗ trợ Việt Nam, có 5.000.100 liều vaccine Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 3.681.200 liều AstraZeneca; gần 4 triệu liều vaccine do các nước tặng; hơn 3,8 triệu liều đặt mua thông qua Công ty VNVC; hơn 97.000 liều vaccine đặt mua của Pfizer/BioNTech.
Đến ngày 15/8, cả nước đã tiêm chủng hơn 12,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 các loại, trong đó tiêm một mũi là 11,2 triệu người, tiêm mũi 2 là 1,3 triệu người.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.