Chính phủ đồng ý tiếp nhận vắc xin COVID-19 cho trẻ 5 - 12 tuổi

Sức khỏe
03:21 PM 14/04/2022

Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc tiếp nhận vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, được viện trợ từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cho Việt Nam.

Ngày 14/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Nghị quyết số 55/NQ-CP về vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tại Nghị quyết nêu trên, Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc tiếp nhận vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi viện trợ từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cho Việt Nam.

Chính phủ đồng ý tiếp nhận viện trợ vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-12 tuổi - Ảnh 1.

Trẻ lớp 6 được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sáng 14/4 ở Quảng Ninh - Ảnh: TIẾN THẮNG

Bộ Y tế căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh, tiến độ tiêm vắc xin nguồn viện trợ, nguồn vắc xin có thể mua thương mại để xác định và chịu trách nhiệm về số lượng, loại vắc xin nhận viện trợ, mua thương mại đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, an toàn, chất lượng, hiệu quả, không để bị động, không thừa, không thiếu hụt vắc xin trong mọi hoàn cảnh.

Trường hợp cần mua vắc xin thương mại để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế chủ động xác định và chịu trách nhiệm về số lượng, thời gian, chủng loại vắc xin cần mua cho phù hợp với tiến độ, báo cáo Thủ tướng.

Thủ tướng đồng ý việc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định của điều 26 Luật đấu thầu với các điều kiện như các nghị quyết của Chính phủ về mua vắc xin COVID-19 cho người lớn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chịu trách nhiệm tiếp nhận, viện trợ, mua và tổ chức tiêm chủng loại vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đảm bảo hợp lý, an toàn, khoa học, hiệu quả.

Trước đó, tại tờ trình gửi Chính phủ về việc cung ứng vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế cho hay qua rà soát lại đối tượng trẻ em từ 5 đến 12 tuổi là 11,8 triệu trẻ, trong đó số trẻ cần tiêm đến hết quý 2-2022 là hơn 8,2 triệu trẻ (không bao gồm 3,5 triệu trẻ đã nhiễm COVID-19).

Vì vậy nhu cầu vắc xin tối đa cần sử dụng cho hơn 8,2 triệu trẻ là 15,7 triệu liều và dự kiến số vắc xin cần cung ứng để tiêm cho 3,5 triệu trẻ đã mắc COVID-19 là 5,6 triệu liều.

Đến nay số lượng vắc xin mà các quốc gia, tổ chức đã cam kết tài trợ là 16,8 triệu liều, đều còn hạn sử dụng trên nhãn nên Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai tiêm hết cho các đối tượng trước khi hết hạn.

Trong số vắc xin viện trợ, bao gồm có vắc xin của Úc với hơn 7,2 triệu liều, vắc xin của Hà Lan là 2 triệu liều và vắc xin của Pháp là 2 triệu liều. Ngoài ra, Bộ Y tế đã làm việc với Tập đoàn Pfizer và đã được đồng ý ký hợp đồng mua thành nhiều đợt.

Theo Bộ Y tế, với số lượng vắc xin viện trợ và nhu cầu sử dụng, đến nay số lượng là đáp ứng đủ nhu cầu để tiêm mũi 1 trước ngày 15/5 và sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 trong tháng 6/2022 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng.

Vì vậy bộ này kiến nghị tiếp nhận vắc xin cho trẻ em từ nguồn viện trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế. Căn cứ tình hình diễn biến dịch, tiến độ tiêm vắc xin, nguồn viện trợ, nguồn mua để xác định số lượng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và thời gian.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong tuần tới, việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này được thực hiện đồng loạt trên toàn quốc.

Hiện có hai loại vắc xin được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là vắc xin Pfizer và vắc xin Moderna. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi cùng loại vắc xin, không tiêm trộn với bất kỳ vắc xin mRNA nào.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.