Chính phủ giao PVN thí điểm làm điện gió ngoài khơi
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) báo cáo, đề xuất với Thủ tướng việc giao tập đoàn này khảo sát, thí điểm làm dự án điện gió ngoài khơi.
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 442/TB-VPCP ngày 1/10/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn về giải quyết vướng mắc phát triển điện gió ngoài khơi.
Thông báo nêu điện là yếu tố đầu vào nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Đầu tư phát triển ngành điện là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước; điện phải đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững cả cho hiện tại và tương lai.
Theo Quy hoạch điện VIII, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất lớn, lên đến 600.000 MW. Mục tiêu đến năm 2030 công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 ) mới chỉ phân bổ phát triển điện gió ngoài khơi theo vùng: (i) Bắc Bộ: 2.500 MW; (ii) Trung Trung Bộ: 500 MW; (iii) Nam Trung Bộ: 2.000 MW; (iv) Nam Bộ: 1.000 MW. Kế hoạch chưa xác định dự án điện gió ngoài khơi cụ thể nào và cũng chưa có dự án nào được triển khai.
Phó Thủ tướng nhìn nhận rằng từ nay đến 2030 không còn nhiều, việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi rất cần thiết để bảo đảm thực hiện quy hoạch.
Bộ Công Thương cùng các bộ ngành cũng được giao nghiên cứu các quy định cần sửa tại Luật Điện lực và luật khác liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý cho các dự án năng lượng, gồm điện gió ngoài khơi.
Cuối tháng 7, Bộ Công Thương có báo cáo trình Chính phủ thực hiện Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có phương án lựa chọn nhà đầu tư. Theo đề án, giai đoạn đầu sẽ tập trung giao tập đoàn kinh tế nhà nước, tạo tiền đề để hoàn thiện quy định pháp luật. Sau khi hệ thống pháp luật đã hoàn thiện mới tính tới giao nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân.
Về việc giao cho các tập đoàn kinh tế nhà nước như PVN, EVN hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương cũng được cơ quan này đưa ra phân tích rất chi tiết.
Cụ thể, với phương án giao PVN, Bộ Công Thương chỉ ra doanh nghiệp này và các đơn vị thành viên có những lợi thế nhất định. Bởi điện gió ngoài khơi sẽ có một số hạng mục, công trình tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi.
Do đó, PVN có lợi thế khi sử dụng cơ sở dữ liệu như địa kỹ thuật, địa vật lý sẵn có của ngành dầu khí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng trong việc triển khai thí điểm. Từ đó, góp phần đem lại hiệu quả trong sử dụng tài sản hiện hữu, góp phần vào công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, thực hiện quyền chủ quyền trên biển.
Tuy nhiên, theo nhà chức trách, trường hợp giao PVN đầu tư điện gió ngoài khơi cần đánh giá, điều chỉnh chủ trương lĩnh vực ngành nghề, kinh doanh của tập đoàn này. Ngoài ra, PVN cũng phải thay đổi để đáp ứng những yêu cầu đặc trưng của ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, tăng trưởng nguồn điện phải đạt 10-12% mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng Việt Nam cần phải tập trung đầu tư các dự án nguồn điện từ sớm, bảo đảm nhu cầu phát triển trong tương lai. Trong đó, các nguồn ưu tiên gồm năng lượng tái tạo có khả năng làm điện nền như điện gió ngoài khơi, khí LNG. Việc này cũng nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải về 0% vào 2050.
Huyền My (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.