Chính quyền liệu có ‘ngó lơ’ cho sai phạm tại nhà máy nước Đống Năm? – Kỳ 2
Như đã thông tin tại kỳ trước, các sai phạm của nhà máy nước Đống Năm đã được các cơ quan chức năng nêu rõ tại kết luận thanh tra từ năm 2019. Nhưng việc khắc phục và thực hiện kết luận này lại là chuyện khác, khi mà tới nay công ty này vẫn đang “loay hoay” tìm cách xin gia hạn giấy phép xây dựng và hoàn thiện hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch với mục đích chính là “để vay vốn ngân hàng cũng như đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2012 – 2015 theo quyết định số 12/2012/QĐ–UBND ngày 02/8/2012 của UBND tỉnh Thái Bình.
Theo quy định chung đối với dự án đầu tư xây dựng mới, ngoài được hưởng một số ưu đãi về cơ chế tài chính, ưu đãi về thuế, được ngân sách nhà nước đầu tư đảm bảo đủ nguồn nước cho các công trình cấp nước sạch sử dụng nguồn nước mặt… thì chủ đầu tư còn được hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Quyết định số 12/2012/QĐ – UBND ngày 02/8/2012 của UBND tỉnh Thái Bình
Đặc biệt, chủ đầu tư còn được hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình bằng ngân sách nhà nước 03 triệu đồng/m3/ ngày – đêm, theo công suất cấp nước của công trình được các sở, ngành liên quan xác nhận sau khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động". Đến hết 31/10/2018 có 24 dự án đầu tư các công trình nước sạch nông thôn được các ngân hàng cho vay vốn với tổng số tiền cam kết cho vay trên 418 tỷ đồng (trung bình 16,7 tỷ đồng/công trình). Tính đến ngày 30/11/2018, tỉnh đã quyết định hỗ trợ cho 51 dự án, công trình với tổng kinh phí 461.469 triệu đồng.
Thế nhưng, kể từ khi lập hồ sơ dự án và được UBND tỉnh ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 1000/UBND – TM ngày 6/5/2013 đến nay, công ty TNHH TM Đỗ Gia Bảo đã tiến hành xây dựng toà nhà điều hành cùng toàn bộ hệ thống công trình cấp nước sạch mà không tuân thủ theo đúng mặt bằng xây dựng tổng thể, không phù hợp quy hoạch đã được Sở Xây dựng phê duyệt và thẩm định trước đó.
Điều này hoàn toàn đi ngược lại quy định tại Điểm c, khoản 1, điều 3 của quyết định nêu trên đó là: "Các công trình cấp nước sạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt".
Quyết định số 19/2014/QĐ- UBND về việc sửa đổi một số điều của quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 – 2015
Ngày 24/9/2014, UBND tỉnh Thái Bình ban hành quyết định số 19/2014/QĐ- UBND về việc sửa đổi một số điều của quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 – 2015, ban hành kèm theo quyết định số 12/2012/QĐ-UBND ngày 02/8/2012. Điểm a, khoản 4, điều 4, có nội dung: "Đối với các công trình chưa đầu tư hoàn thành theo dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì mức hỗ trợ thực tế bằng mức hỗ trợ tối đa nhân (x) với tỷ lệ phần trăm (%) khối lượng hoàn thành các hạng mục công trình so với toàn bộ khối lượng công trình theo thiết kế". Phải chăng đây là lý do mà công ty đang ráo riết hoàn thiện các thủ tục để hợp thức hoá các sai phạm vốn tồn tại gần một thập kỉ nay?
Về phía doanh nghiệp, ông Đỗ Đức Uyển – giám đốc Công ty TNHH TM Đỗ Gia Bảo dường như vẫn chưa nhận thức được sai phạm của mình khi cho rằng: "Có sai thì là sai từ huyện, từ tỉnh chứ không phải lỗi sai của phía doanh nghiệp. Ban đầu lập hồ sơ đăng ký đầu tư là như vậy, nhưng doanh nghiệp chỉ có vốn xây dựng tầng 1 nhà điều hành, nếu xây dựng hoàn thiện hết thì lấy đâu tiền làm các hạng mục khác để vận hành nhà máy. Đến nay nếu không phải làm thủ tục chứng minh tài sản trên đất để vay vốn ngân hàng thì chúng tôi đáng lẽ cũng chả phải làm thủ tục xin thay đổi lại quy hoạch."?
Không rõ dựa vào đâu mà vị giám đốc này lại có những phát ngôn hết sức "hùng hồn" như vậy, nhưng với những vi phạm nêu trên, liệu hoạt động của công ty TNHH TM Đỗ Gia Bảo có phù hợp với quy định và đủ tiêu chuẩn điều kiện được hỗ trợ theo quyết định số 12/2012/QĐ–UBND ngày 02/8/2012 của UBND tỉnh Thái Bình hay không?
Hơn thế nữa, việc tự ý thay đổi mặt bằng quy hoạch tổng thể liệu có ảnh hưởng tới chất lượng, công suất nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân theo 6 tiêu chí: quy trình công nghệ; quy trình quản lý chất lượng; quy định về quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống cấp nước; kết quả kiểm tra chất lượng nước của các cơ quan chức năng; giá sử dụng nước (theo quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với từng dự án); mức huy động tiền đóng góp của người sử dụng nước trong việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn?
Những vấn đề trên, khiến dư luận đặt ra câu hỏi. Việc thẩm định và kiểm tra hàng năm của các cơ quan có thẩm quyền có nắm được những sai phạm này hay chỉ mang tính hình thức " cưỡi ngựa xem hoa"? Đến nay việc đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra vẫn chưa có tiến triển, doanh nghiệp thì vẫn ngang nhiên cho mình cái quyền "tiền trảm hậu tấu" khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan này?.
Có một thực tế là, việc ban hành được các cơ chế, chính sách vừa phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước và sát với thực tế của tỉnh, lại vừa đủ sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư tích cực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn là một việc khá khó. Nhưng, để những cơ chế, chính sách ấy được thực thi trong cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực lại càng khó hơn, khi mà việc giám sát để phát hiện các sai phạm chưa được kịp thời ngăn chặn, việc chỉ đạo giải quyết tháo gỡ những khó khăn, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện như: thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình và các vấn đề liên quan chưa sát sao, chế tài xử phạt chưa thật sự rõ ràng...
Vì vậy, dư luận mong muốn UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh xảy ra tình trạng tương tự với các dự án khác, nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước đồng thời tạo sự đồng thuận và ủng hộ cao của người dân, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, với việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra trong triển khai thực hiện chương trình cấp nước sạch nông thôn của tỉnh trong thời gian tới.
Nhóm PVTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.