'Chính sách cần vào cuộc sống nhanh hơn nữa'
Triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình), nhiều chính sách hỗ trợ đã có hiệu lực và đem lại lợi ích ngay lập tức cho người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ, Thủ tướng rất sốt ruột
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, chỉ trong vòng 2 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có 3 Công điện: 126/CĐ-TTg, 252/CĐ-TTg và 290/CĐ-TTg để đôn đốc các bộ, cơ quan và địa phương bảo đảm tiến độ công việc được giao.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, xuyên suốt quá trình xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình, Chính phủ rất quyết tâm và nỗ lực.
"Tôi đặc biệt ấn tượng việc cá nhân Thủ tướng nhiều lần có công điện và họp trực tiếp cũng như trực tuyến để đốc thúc tất cả các bộ, ngành địa phương. Các chỉ đạo của Thủ tướng rất cụ thể, giao rất rõ nhiệm vụ, cơ quan chịu trách nhiệm và thời hạn cụ thể phải hoàn thành. Tôi cảm nhận được rằng Chính phủ và Thủ tướng rất sốt ruột trong việc triển khai Chương trình này", ông Hiếu chia sẻ.
Với thời hạn thực hiện trong năm 2022 và 2023, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu nhấn mạnh đến yếu tố hỗ trợ nhanh, khẩn cấp và một số chính sách được thiết kế thuộc Chương trình mang tính chất bối cảnh, cần phải được triển khai ngay trong thực tiễn.
Đơn cử như việc giảm 2% thuế VAT "đi vào cuộc sống" ngay lập tức và được các tổ chức nghiên cứu quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp đề đánh giá rất cao. Chính sách này phần nào giúp doanh nghiệp giảm "gánh nặng" khi chi phí kinh doanh đang có dấu hiệu gia tăng do biến động trên thế giới.
Một chính sách hỗ trợ thiết thực khác cũng đã được ban hành. Cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng có Quyết định số 08/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với thủ tục, hồ sơ rất đơn giản.
"Bài toán khó" về cấp bù lãi suất và bố trí vốn cho các dự án
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, các bộ, cơ quan và địa phương đã khẩn trương, tích cực triển khai công việc được giao. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình còn chậm, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện tổng thể.
Một số chính sách quan trọng về cấp bù lãi suất, đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn đang trong quá trình xây dựng, khiến các bên có liên quan và lãnh đạo Chính phủ rất sốt ruột.
"Ở một chừng mực nào đó, có thể nói các nội dung này chậm so với kỳ vọng và yêu cầu. Càng triển khai sớm những phần việc này thì hiệu quả càng tăng lên và áp lực thời gian để hoàn thành mục tiêu Chương trình đặt ra sẽ giảm đi", ông Phan Đức Hiếu cho biết.
Tuy nhiên, đây là việc không hề dễ dàng vì khi thực hiện cấp bù lãi suất, cần phải tính toán đến những bài học nước ta đã gặp vào những năm từ 2009-2012. Ví dụ như, năm 2009, khoảng 1 tỷ USD (tương đương 17.000 tỷ đồng thời điểm đó) được sử dụng để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Nguồn lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối, nhưng đến nay nhiều ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết.
Ngoài ra, vấn đề bố trí vốn đầu tư công cho các dự án trong Chương trình phải bám sát 6 tiêu chí, điều kiện đề ra tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Phan Đức Hiếu đề xuất phương án xem xét các dự án đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí thì thông qua và bố trí vốn trước để triển khai ngay thay vì chờ có đủ danh sách để phê duyệt.
Còn đối với việc xây dựng chính sách cấp bù lãi suất cần tăng cường tham vấn rộng rãi ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, kịp thời tìm được cách làm mới, phù hợp.
"Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là chưa từng có tiền lệ, cả về mặt xây dựng chính sách và thực tiễn. Áp lực rất lớn. Vì vậy, cơ quan tham mưu cần bám sát quá trình thực hiện để có điều chỉnh phù hợp, nhằm bảo đảm tiến độ, đồng thời cân bằng giữa tính chất và mục tiêu của Chương trình", ông Phan Đức Hiếu chia sẻ.
VMNBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.