Chính sách mới về giờ làm, tiền lương có hiệu lực từ tháng 2/2022 người lao động cần biết

Đầu tư và Tiếp thị
02:12 PM 01/02/2022

Nhiều chính sách mới về lao động, tiền lương sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2022, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ).

Tăng thời gian làm thêm tối đa với lao động thời vụ

Theo Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 1/2/2022, thời gian làm việc, làm thêm tối đa của người làm công việc thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng tăng 12 giờ/tuần và 8 giờ/tháng. 

Cụ thể, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm không quá 72 giờ/tuần. Ngoài ra, tổng số giờ làm thêm không quá 40 giờ/tháng, tổng số giờ làm thêm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ/năm. 

Người sử dụng lao động quyết định lựa chọn áp dụng quy định về thời giờ làm việc, làm thêm theo tuần hoặc theo tháng, ghi vào kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm quy định tại khoản 2, Điều 8 Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH .

Tăng mức hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

Có hiệu lực từ ngày 21/02/2022, Quyết định 40/2021/QĐ-TTg tăng mức hỗ trợ cho NLĐ đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài sẽ nhận được hỗ trợ. Mức hỗ trợ: từ 10 - 30 triệu đồng/trường hợp. (Hiện nay, theo Quyết định 144/2007/QĐ-TTg , mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/trường hợp)

Ngoài ra, thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài cũng nhận được hỗ trợ mới mức 40 triệu đồng/trường hợp.

Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới xuất khẩu lao động

Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới được quy định tại Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc.

Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động.

Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể được quy định tại Phụ lục X Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH. Đối với mọi ngành, nghề tại thị trường Nhật Bản hay với lao động giúp việc tại thị trường Malaysia, Brunei hay các nước Tây Á, mức trần thù lao là 0 đồng. 

Hoàng Tùng
Ý kiến của bạn