Chính sách pháp luật của nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam. Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự tồn vong của nhân loại mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các nước trên thế giới.
Để có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công ty Luật Hải Châu về những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp (DN) đặc biệt là DN vừa & nhỏ cùng các chính sách pháp luật của nhà nước ta trong việc hỗ trợ đối với nhóm DN này trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh như hiện nay.
PV: Thưa luật sư, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch không những đe doạ đối với sức khỏe và tính mạng con người mà còn ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Theo luật sư, các DN đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức nào?
LS. Nguyễn Đình Hải: Trước hết xin cảm ơn sự quan tâm chia sẻ của quý báo về vấn đề mang tính thời sự rất nóng trong bối cảnh hiện nay, không những ở trong nước mà trên phạm vi toàn cầu. Đây là một câu hỏi có nội hàm rất rộng và đòi hỏi phải có sự thống kê cụ thể. Tuy nhiên, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thông tin chúng tôi nắm được tại các DN mà Công ty Luật Hải Châu tư vấn pháp luật thường xuyên thì các DN nói chung, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ đã và đang phải đối mặt vối các khó khăn cũng như các thách thức to lớn như sau:
Thứ nhất: Đại dịch Covid-19 đã làm cho nhiều DN bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm của DN như: Ngành dệt may, da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch, bán lẻ…bị phụ thuộc nguyên liệu từ thị trường nước ngoài.
Thứ hai: Đại dịch Covid-19 còn có thể làm gia tăng yêu cầu biện pháp bảo hộ thị trường phi thuế quan do lo ngại bùng nổ và tái phát dịch bệnh gắn với chất lượng hàng hóa, dịch vụ và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ ba: Hậu quả của dịch bệnh làm tăng các tranh chấp liên quan đến việc thực hiện các hợp đồng kinh doanh trong nước và quốc tế gắn với nguyên nhân gián đoạn do dịch bệnh. Ngoài ra, còn có một số hệ lụy khác nếu dịch bệnh còn kéo dài.
Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) vừa công bố "Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam". Báo cáo được thực hiện qua khảo sát gần 10.200 DN trên toàn quốc nhằm cung cấp những góc nhìn cụ thể về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới toàn bộ nền kinh tế và những cách thức ứng phó của DN.
Theo báo cáo này thì đại dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến DN tại Việt Nam. Trong đó, 87,2% DN cho biết là chịu ảnh hưởng ở mức "phần lớn" hoặc "hoàn toàn tiêu cực". Có 11% DN cho rằng họ "không bị ảnh hưởng gì" và gần 2% ghi nhận tác động "hoàn toàn tích cực" hoặc "phần lớn tích cực". Cả khu vực DN tư nhân trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trong số các nhóm DN, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm, các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Tỷ lệ DN chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực có xu hướng giảm khi số năm hoạt động của DN gia tăng. Song vẫn có tới 84% DN tư nhân và 85% DN FDI có trên 20 năm hoạt động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực. Mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các DN FDI lớn nhất ở nhóm DN quy mô nhỏ, với 89,3% cho biết chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực. DN FDI ở quy mô lớn là nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn thứ 2, với con số 88%. Tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực của nhóm quy mô vừa và quy mô siêu nhỏ thấp hơn một chút, lần lượt ở mức 87,3% và 87,2%.
Nhóm DN tư nhân quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ cho biết chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn, hoàn toàn tiêu cực là cao nhất, với con số 87,7%. Các nhóm DN còn lại có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực thấp hơn một chút, ở mức 86,1%. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, tác động của dịch Covid-19 với DN ở một số ngành là đặc biệt lớn. Lĩnh vực chịu ảnh hướng lớn nhất là: May mặc (97%); Thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%), sản xuất xe có động cơ (93%). Kết quả khảo sát 1.564 DN FDI tại Việt Nam cũng ghi nhận 87,9% chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, 11,4% không ảnh hưởng gì, chỉ có 0,8% vẫn kinh doanh tốt. DN FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm: Bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%). 22% DN FDI cho biết phải sa thải lao động do tình hình kinh doanh suy giảm. Số lao động buộc phải nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động làm việc tại DN.
PV: Xin luật sư cho biết trong thời gian qua, song song với việc phòng và chống dịch thì Đảng và Nhà nước ta đã có những động thái nào để hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ trong việc duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh?
LS. Nguyễn Đình Hải: Có thể nói, ngay từ thời điểm bùng phát dịch đầu tiên vào tháng 12/2019 dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng ta, các chiến lược và biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được người dân đồng lòng ủng hộ. Trên cơ sở lấy lợi ích và sự an toàn của người dân làm trung tâm, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế. Nhờ sự phối hợp hành động một cách quyết liệt từ sớm, xét nghiệm trên diện rộng, cách ly nghiêm ngặt, đoàn kết xã hội và hợp tác quốc tế, Việt Nam được truyền thông quốc tế ca ngợi là "hình mẫu", là "tấm gương" trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Song song với việc phòng và chống dịch, Nhà nước ta đã thể chế hóa nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, xin được liệt kê một số chính sách hỗ trợ sau đây:
1. Giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh:
Đây là chính sách mới nhằm hỗ trợ DN gặp khó khăn do Covid-19 tại Công văn số 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020. Cụ thể, đối với giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh: Giảm 10% giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 ở các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm. Khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch (theo quy định tại Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan): Giảm giá điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất sau khi giảm giá. Đối với giá bán buôn điện nông thôn, giá bán buôn điện khu tập thể, cụm dân cư, giá bán buôn điện cho tổ hợp thương mại - dịch vụ - sinh hoạt, giảm 10% giá bán buôn điện đối với bậc 1 đến bậc 4 của giá sinh hoạt; giảm 10% bán buôn điện cho mục đích khác tại Quyết định số 648/QĐ-BCT. Đối với giá bán buôn điện cho các khu công nghiệp, giá bán buôn điện cho chợ, giảm 10% giá bán buôn điện so với biểu giá bán buôn điện tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.
2. Hỗ trợ về vốn
Ngay từ giai đoạn dịch bệnh chưa ảnh hưởng nặng nề như hiện nay, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng).
3. Hỗ trợ về thuế
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều DN bị thiệt hại lớn, gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra, góp phần giúp cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn; Tổng cục Thuế đã có Công văn số 897/TCT-QLN ngày 03/3/2020 về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Công văn số 897/TCT-QLN hướng dẫn trường hợp được gia hạn nộp thuế sau: "Bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ". Hồ sơ, thủ tục đề nghị gia hạn nộp thuế được thực hiện theo khoản 3 Điều 31 Thông tư số 156/2013/TT-BTC. Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, quy định về các đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và trình tự thủ tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.
4. Tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 1511/LĐTBXH-BHXH hướng dẫn việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Theo đó, người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;
- Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.
5. Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành Công văn số 245/TLĐ ngày 18/3/2020 về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, đồng ý cho các DN sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020. DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là những DN có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên. Nếu sau thời điểm này, dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và DN còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến ngày 31/12/2020.
6. Miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, TCTD, chi nhánh NH nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu DN) đối với khách hàng mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kề từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19. Ngoài ra, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
7. Được vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
PV: Xin cám ơn luật sư về cuộc trao đổi này!
Đoàn DuyNăm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.