Chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đường Thái Lan, nhóm LSS, SBT, QNS, KTS ngược dòng bứt phá, thậm chí kịch trần
Đây là tin vui của ngành đường trong nước, chính sách này sẽ nhanh chóng đảm bảo cạnh tranh cho các công ty đường trong nước. Đặc biệt, áp thuế sẽ giúp bảo vệ đường trong nước khỏi đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan cũng như đường nhập lậu, thúc đẩy ngành đường trong nước về lâu dài.
Bộ Công Thương đã công bố quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) chính thức một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Trong đó, việc áp thuế được áp dụng cho tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Thái Lan với mức thuế CBPG chính thức là 42,99% và mức thuế CTC chính thức là 4,65%. Quyết định có hiệu lực thực thi kể từ ngày 16/6/2021. Thời hạn áp dụng là 5 năm kể từ ngày quyết định chính thức có hiệu lực.
Đây là tin vui của ngành đường trong nước, chính sách này sẽ nhanh chóng đảm bảo cạnh tranh cho các công ty đường trong nước. Đặc biệt, áp thuế sẽ giúp bảo vệ đường trong nước khỏi đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan cũng như đường nhập lậu, thúc đẩy ngành đường trong nước về lâu dài.
Trong đó, với các nhà máy đường trong nước có lợi thế về quy mô trong sản xuất đường RS và RE của Đường Quảng Ngãi (QNS) và TTC Sugar (SBT) sẽ có lợi thế về giá thành hơn so với các nhà máy nhỏ.
Trên thị trường chứng khoán, sự lạc quan cũng ngay lập tức phản ánh vào sự tăng giá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu đường, bất chấp thị trường chung đang trong xu hướng giảm điểm mạnh.
Kết phiên giao dịch 16/6, dù VN-Index mất gần 11 điểm, hàng loạt cổ phiếu ngành đường thậm chí kịch trần, thanh khoản cải thiện đáng kể. Sang phiên hôm nay (17/6/2021), đà tăng vẫn được giữ vững. Đặc biệt, mã LSS của Mía đường Lam Sơn tiếp tục kịch trần tại mức 11.850 đồng/cp với hơn 1,5 triệu cổ phiếu được giao dịch trong phiên.
Được biết, LSS là doanh nghiệp có quy mô sản xuất đường tinh luyện RE lớn nhất tại miền Bắc. Hiện, hơn 80% sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ bởi các khách hàng công nghiệp. Niên độ 2019 - 2020, LSS đạt 1,6 tỷ lãi ròng – tăng cao gấp 2,5 lần niên độ trước đó. Ghi nhận năm qua, LSS đã thực hiện đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm (sản xuất nước tế bào mía, sữa gạo…).
Tăng trần phiên 16/6 còn có cổ phiếu KTS của Đường Kon Tum, tăng 9,9% lên mức 15.500 đồng/cp. Phiên sáng 17/6, thị giá KTS tiếp đà tăng mạnh, hiện giao dịch tại mức 16.500 đồng/cp.
Về KTS, doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, khó đạt lợi thế về quy mô, vùng nguyên liệu mía nhỏ và chưa ổn định. Do đó, đây là một trong số đơn vị chịu thiệt hại mạnh trước cạnh tranh gáy gắt, đặc biệt đường Thái Lan. Năm 2020, KTS chỉ đạt 1,9 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với con số 4,5 tỷ đồng hồi năm 2019.
TTC Sugar (SBT) cũng phản ứng tích cực với mức tăng gần 7% thị giá sau 2 phiên giao dịch gần đây, hiện cổ phiếu vào mức 21.800 đồng/cp với thanh khoản lên đến 5,5 triệu đơn vị/phiên.
Là đơn vị dẫn đầu ngành với thị phần lên đến 50%, phân khúc sản phẩm của SBT thuộc tầm trung và cao cấp nên có nhiều cơ hội xuất khẩu sang EU và các nước có hiệp định FTA với Việt Nam. SBT cũng dần định hướng phát triển các sản phẩm cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm organic đem lại giá trị gia tăng cao xuất khẩu sang EU (sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực).
Về chỉ số kinh doanh, niên độ 2019-2020 SBT đạt 12.889 tỷ doanh thu, tăng gần 19%; lợi nhuận ròng hơn 364 tỷ, tăng đến 40% với đà tăng chủ yếu từ mảng chủ lực là đường với mức tăng 27%.
Một đơn vị quy mô khác, Đường Quảng Ngãi (QNS) cũng tăng mạnh, cổ phiếu hiện giao dịch tại mức 42.700 đồng/cp. Được biết, QNS hiện đứng thứ hai về vùng nguyên liệu mía và có thâm niên hơn 30 năm kinh nghiệm sản xuất đường.
Mặt khác, QNS cũng dẫn đầu thị phần sữa đậu nành với tỷ trọng lên đến 86,8% (tính đến tháng 6/2020); đường RE Công ty có thị phần 11%. Mảng đường năm 2020 dù vẫn còn lỗ nhẹ, song QNS có lợi thế cạnh tranh đến từ đa dạng hóa các sản phẩm kinh doanh.
Nhìn chung, chính sách mới này là một sự kiện có tính chất bước ngoặt cho ngành đường Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước như SBT, QNS, LSS, SLS. Cùng với đó, áp dụng trong vòng 5 năm là thời gian dài giúp chuỗi cung ứng đường trong nước phục hồi và phát triển bền vững hơn.
Tri TúcKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.