Chính thức bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho Hà Nội quản lý
Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức chuyển giao 1.586 ha Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho UBND TP Hà Nội quản lý.
Chiều 24/11, lễ chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND TP Hà Nội chính thức diễn ra tại Nhà hội thảo và triển khai Khu công nghệ cao Hòa Lạc (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Nội dung này được thực hiện theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 01/8/2023 của Chính phủ về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ KH&CN cho UBND TP Hà Nội.
Để thực hiện nhiệm vụ bàn giao, Bộ KH&CN và UBND thành phố đã thành lập các Tổ công tác do Bộ trưởng và Chủ tịch UBND TP là đồng Tổ trưởng và chỉ đạo công tác bàn giao. Hai bên đã tổ chức các buổi làm việc để cùng thống nhất nội dung và lộ trình bàn giao, cũng như các công việc cần phải phối hợp sau khi bàn giao, tiếp nhận Khu CNC Hòa Lạc.
Được thành lập từ năm 1998, trải qua quá trình 25 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 111 dự án đầu tư (bao gồm 96 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 111.500 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ cao thuộc 55 nhóm công nghệ cao, 31 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Sự hiện diện của các trường Đại học về công nghệ tại Khu CNC như Đại học FPT, Đại học Việt-Pháp, Đại học Việt-Nhật, Đại học Văn Lang... sẽ hứa hẹn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xã hội nói chung và trực tiếp cho Khu CNC Hòa Lạc nói riêng.
Cùng với đó, các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu ứng dụng gắn trực tiếp với sự phát triển sản xuất của doanh nghiệp như Viện V-KIST, Trung tâm vũ trụ, Viện đo lường, các trung tâm kiểm thử... sẽ là nền tảng cho việc phát triển năng lực nội sinh nghiên cứu và phát triển, gắn kết nghiên cứu phát triển với sản xuất.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài như Hanwha, Nidec, Nissan Techno..., hay các doanh nghiệp lớn trong nước như Viettel, FPT, VNPT,... đã lựa chọn Khu CNC Hòa Lạc là địa bàn đầu tư trọng điểm.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, việc chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND TP Hà Nội là cần thiết vì sự phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng, sự phát triển của Thủ đô và cả nước nói chung.
Phó Thủ tướng đề nghị, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cố gắng hơn nữa, trở thành cánh chim đầu đàn về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ; thực sự đi tắt đón đầu trong phát triển khoa học công nghệ, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước.
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và các bộ sẽ đồng hành với TP Hà Nội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển xứng tầm.
Tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, việc chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về UBND thành phố Hà Nội quản lý tạo điều kiện thuận lợi để thành phố cụ thể hóa mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo để hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2024; đồng thời sẽ dành nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng và tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và giữ vai trò hạt nhân, vùng lõi của đô thị Hòa Lạc trong tương lai.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.