Chợ, siêu thị hoạt động bình thường, hàng hóa dồi dào
Ngày thứ 5 cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05 của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố về viêc, cách ly xã hội và hạn chế ra đường nếu không có việc cần thiết. Có thể thấy, đến thời điểm này nguồn cung cấp hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội rất dồi dào, người dân thực sự yên tâm về việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu từ cơ quan chức năng, siêu thị, cửa hàng tiện ích…
Hàng hóa thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ dân sinh rất dồi dào giúp người dân yên tâm phòng, chống dịch Covid-19
Theo khảo sát của phóng viên báo Lao động Thủ đô, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội như Big C, Mega Market, Vinmart, hay tại các chợ dân sinh lớn như Hà Đông, Phùng Khoang, chợ Kim Liên, chợ Cầu Giấy…các mặt hàng thiết yếu khá phong phú và dồi dào.
Để có được sự chủ động trên, trước đó, nhiều doanh nghiệp, Tập đoàn lớn như Tập đoàn Central Retain (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Đức Thành… đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp từ 300 – 500% so với bình thương đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; Hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân.
Chị Phạm Hà Nguyệt ở Khu đô thị Thanh Hà chia sẻ, sau khi thông tin về việc cả nước sẽ thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiều người dân lo lắng về việc mua hàng tích trữ, thậm chí lo sợ hàng hóa thiếu hụt. Tuy nhiên, đó chỉ là sự lo lắng nhất thời vì cho đến thời điểm này nguồn hàng tại chợ hay các siêu thị vẫn rất phong phú, thậm chí nhiều mặt hàng giảm giá sâu.
“Tại chợ hay các siêu thị, nguồn thực phẩm hàng hóa thiết yếu rất dồi dào, thậm chí, các mặt hàng tươi sống luôn luôn đầy ắp, vì thế giúp chúng tôi yên tâm rất nhiều mỗi khi đi mua hàng. Cho đến thời điểm này, việc lo lắng không phải là thiếu hụt nguồn cung thực phẩm thiết yếu, mà làm sao người dân thực hiện tốt việc hạn chế ra đường và cách ly xã hội.
Có như vậy việc phòng, chống Covid-19 mới đạt hiệu quả nhanh nhất, người dân trở lại cuộc sống bình thường sớm nhất”, chị Nguyệt nói.
Nhằm chủ động nguồn cung hàng hóa tốt nhất, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid- 19 thành phố Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số tỉnh thành phố tiếp tục rà soát về nguồn cung về sản xuất lương thực thực phẩm nhằm cân đối cung cầu.
Hiện, Sở đã kết nối với các Sở khu vực phía Bắc như Hải Dương, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La và đảm bảo nguồn cung các mặt hàng rau củ quả dồi dào...
Khẳng định tất cả nguồn cung về với Hà Nội rất dồi dào, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng lưu ý các doanh nghiệp, khi người dân đổ xô đến các siêu thị, phải đảm bảo lưu thông hàng hóa từ kho đến các kệ và gian hàng một cách đầy đủ.
Theo bà Trần Thị Phương Lan: "Tối có thể hết hàng do lượng tiêu thụ nhiều vào ban ngày, nhưng 5h sáng sẽ vẫn đảm bảo đầy đủ hàng hóa tươi ngon".
Đối với lưu thông hàng hóa, do Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nên một số tỉnh có các cách làm khác nhau và Sở cũng nhận được một số phản ánh với các doanh nghiệp khi lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh với Hà Nội và ngược lại có tình trạng bị kiểm soát xe và phải dừng lại nhiều tiếng.
Sở Công Thương đã báo cáo với Bộ Công Thương và UBND Thành phố để đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an đề nghị chỉ đạo các UBND các tỉnh thành, thống nhất phương thức triển khai thực hiện theo đúng Chỉ thị song, vẫn đảm bảo hàng hóa thiết yếu được lưu thông bình thường…
Theo LĐTĐ
Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.