Chợ truyền thống hấp dẫn giới trẻ Trung Quốc
Giữa các xu hướng du lịch mới, các khu chợ truyền thống ở Trung Quốc bỗng trở nên hấp dẫn các du khách trẻ tuổi thích trải nghiệm.
Trong khi nhiều du khách đến Thượng Hải thường tới các địa danh nổi tiếng như Bến Thượng Hải mang tính biểu tượng và khu phố Điền Tử Phường sôi động, thì Zhang Xiao (27 tuổi, đến từ Hà Nam) lại chọn khám phá một khu chợ truyền thống trong dịp nghỉ lễ dài ngày từ 29/9 tới 6/10.
"Ăn sáng ở chợ truyền thống là cách tốt nhất để tìm hiểu thói quen ăn uống của người dân địa phương và quan sát cuộc sống bản địa", Zhang nói.
Đối với Zhang, khám phá chợ truyền thống không chỉ là sở thích, mà gần như là thói quen mỗi lần đi du lịch. Trong hai năm qua, cô đã tới hơn 10 khu chợ truyền thống ở nhiều thành phố khắp Trung Quốc. Từ chợ hải sản tươi sống ở tỉnh Chiết Giang tới chợ gia vị ở Tân Cương... mỗi khu chợ có nét hấp dẫn riêng.
Chợ truyền thống từng bị coi là nơi mất vệ sinh, vô tổ chức, nay đang thu hút giới trẻ Trung Quốc. Thay vì đi theo những điểm tham quan nổi tiếng, giới trẻ có xu hướng du lịch khám phá trải nghiệm thực tế các khu chợ địa phương.
Chợ truyền thống là nơi cung cấp các sản phẩm tươi sống, thịt, cá và nhu yếu phẩm hàng ngày, cung cấp nguyên liệu cho hầu hết các bữa cơm nhà. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, mức độ ưa chuộng đối với chợ truyền thống suy giảm, khi giới trẻ và những người bận rộn công việc thường mua đồ ăn sẵn mang về hay mua đồ ở siêu thị.
Đến hiện tại, chợ truyền thống dường như lại có sức hút đặc biệt, được các tín đồ du lịch "review" (đánh giá, nhận xét) trên các mạng xã hội. Trên ứng dụng phong cách sống Xiaohongshu, chủ đề "hướng dẫn đi chợ truyền thống" thu hút gần 65 triệu lượt xem. Trên nền tảng Douban, số thành viên trong nhóm "những người mê đi chợ truyền thống" đã tăng lên gần 160.000 so với 10.000 người vào 3 năm trước.
Hồi tháng 7, dữ liệu từ nền tảng đánh giá Dianping cho thấy lượng tìm kiếm từ khóa "chợ truyền thống" tăng 120% so với tháng trước, trong khi các bài đăng hướng dẫn liên quan chủ đề này tăng gần gấp đôi và số bài đánh giá tăng 170%.
Để thích nghi với sự quan tâm của khách hàng mới và sự thay đổi về nhân khẩu học, các khu chợ truyền thống đã thay đổi đáng kể. Những quầy hàng bừa bộn trước kia nay đã trở nên ngăn nắp, sạch sẽ, các quầy rau, thịt, hải sản nằm ở các khu riêng biệt. Nhiều khu chợ cũng hiện đại hóa bằng cách áp dụng thanh toán bằng mã QR, thậm chí cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà. Một số chợ được cải tạo, đem lại không gian hiện đại.
"Có chợ còn bán cả cà phê giá phải chăng mà chất lượng cao", Zhang nói.
Khi sức hấp dẫn của chợ truyền thống đối với thanh niên ngày càng tăng, các thương hiệu lớn đã nắm bắt cơ hội đưa ra ý tưởng tiếp thị độc đáo. Tháng 10/2021, nhãn hiệu xa xỉ Prada của Italy đã "biến hình" cho chợ Wuzhong ở Thượng Hải bằng cách trang trí các quầy rau bằng giấy gói và logo đặc trưng của nhãn hàng. Ý tưởng này thu hút nhiều người, đặc biệt là thanh niên. Họ háo hức chụp hình phong cách pha trộn lạ giữa hiện đại và khung cảnh truyền thống.
Đối với Zheng Huili, 23 tuổi, đến từ Chiết Giang, sức hấp dẫn của chợ truyền thống không đơn thuần là mua sắm. Cô coi chúng như cánh cửa để hiểu hơn văn hóa của thành phố.
"Các điểm tham quan nổi tiếng trên Internet đều giống nhau, nhưng chợ truyền thống mang lại cảm giác du lịch mới mẻ", Zheng nói. "Tôi dừng chân, trò chuyện với người bán hàng. Đây là cách tuyệt vời để tìm hiểu văn hóa Thượng Hải".
An Mai (Theo Sixth Tone)Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.