Chợ và siêu thị vẫn hoạt động bình thường, Đà Nẵng trấn an người dân
Trước tình trạng người dân đổ xô đi mua đồ tích trữ vì lo ngại dịch bệnh, Sở Công thương TP Đà Nẵng khẳng định không có chuyện đóng cửa chợ, siêu thị, không có chuyện ngăn cản vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm vào TP.
Người dân đổ xô đi mua đồ tích trữ
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhất là sau khi có quyết định tạm dừng các cửa hàng kinh doanh ăn uống, kể cả bán qua mạng và bán mang về, từ sáng 30/7, có tình trạng người dân TP Đà Nẵng đổ xô ra chợ, siêu thị và các cửa hàng mua lương thực thực phẩm tích trữ.
Người dân đổ xô đi mua hàng tại một siêu thi vào sáng 30/7.
Một tiểu thương ở chợ Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, ngày thường bán rất chậm nhưng hôm nay do người dân đổ xô đi mua nên chưa đầy 2 tiếng chị đã hết hàng. “Từ khoảng 5 giờ 30 đến 7 giờ sáng, tôi đã bán hết lượng thịt lợn trên sạp”, tiểu thương này cho biết.
Tại một siêu thị trên đường Cách Mạng Tháng Tám thuộc quận Cẩm Lệ, khoảng 10 giờ sáng nay (30/7) đã “cháy” các mặt hàng thịt, do lượng người đổ đi mua quá đông. Một nhân viên quản lý cho biết, không phải siêu thị hết hàng mà vì lượng người dân đến quá đông nên không kịp phục vụ.
Tại siêu thị Coopmart Đà Nẵng, lượng người đến mua tăng đột biến, mặt hàng mua chủ yếu là thực phẩm tươi sống, đồ hộp, rau củ quả và có tình trạng tích trữ. Người dân mua hàng hóa nhiều hơn bình thường. Đại diện siêu thị cho biết, do đêm qua lượng người mua hàng tăng nhiều nên sáng 30/7, siêu thị đã tăng gấp 3 lần lượng trái cây, rau củ quả. Hàng về liên tục, siêu thị cam kết không tăng giá.
Chị Trần Thị Hòa (ở quận Thanh Khê) chia sẻ, mặc dù biết chính quyền TP Đà Nẵng sẽ đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho dân trong thời gian cách ly, nhưng tâm lý vẫn muốn mua lương thực, thực phẩm tích trữ để hạn chế ra đường. “Nhà tôi chỉ có 3 người, nhưng vì lo ngại phải ra đường nhiều thời điểm dịch bệnh phức tạp, nên đi mua thực phẩm về để tủ lạnh dùng dần cho yên tâm”, chị Hòa nói.
Người dân yên tâm!
Ngày 30/7, Sở Công Thương TP Đà Nẵng đã có công văn đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức quán triệt, tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm với số lượng lớn.
Chợ và siêu thị vẫn mở, hàng hóa đảm bảo cung ứng nên người dân không nên mua tích trữ.
Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, các đơn vị cung cấp suất ăn, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn hoạt động bình thường.
Ngoài ra, TP đã có kế hoạch chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân chủ động, thường xuyên, liên tục với nguồn dự trữ dồi dào, phong phú, bảo đảm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19;
Sở Công Thương TP cũng đề nghị Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, các Ban quản lý chợ quận, huyện có phương án sắp xếp, bố trí trong việc giao nhận, mua bán hàng hóa hợp lý, không tập trung đông người; đề nghị tiểu thương và người dân tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Giám đốc các trung tâm thương mại, siêu thị; chủ cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; giám đốc các đơn vị cung cấp suất ăn, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; giám đốc các đơn vị sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế trên địa bàn xây dựng kế hoạch cân đối, dự trữ hàng hóa và đảm bảo cung cấp đủ số lượng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế, hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân; tuyệt đối không được găm hàng, đầu cơ, tăng giá gây bất ổn thị trường.
“Chợ, siêu thị vẫn hoạt động bình thường, không có chuyện đóng cửa. Chỉ đóng cửa những ngành hàng không cần thiết, cửa hàng bán đồ ăn sẵn, giải khát. Giao thông thông suốt, hàng hóa không bị đứt đoạn về hàng ngày. Người dân không nên tích trữ hàng hóa”, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng - ông Nguyễn Hà Bắc khẳng định.
Quang HảiTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.