Cho vay tại các công ty tài chính, cần thiết áp “trần” lãi suất?
Thời gian qua, những kiểu “xử ép” người vay của các công ty tài chính ngày càng xảy ra phổ biến, gây bức xúc dư luận. Mới đây nhất, sự việc khách hàng vay nợ bị dọa nạt dẫn đến phải tự tử khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: Nên chăng đưa công ty tài chính vào quản lý chặt chẽ hơn và cần thiết áp dụng mức trần cho vay đối với loại hình hoạt động kinh doanh này?
Nhân viên một công ty tài chính đang tư vấn cho khách hàng vay tiêu dùng
Công ty tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Tổ chức này có chức năng là sử dụng vốn tự có, vốn huy động và các nguồn vốn khác để cho vay, đầu tư; cung ứng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ và thực hiện một số dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
Trước đây, việc vay tiền thông thường chỉ được tiến hành tại các ngân hàng thì ngày nay, dịch vụ này phát triển tại các công ty tài chính. Công ty tài chính có thể cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng; bảo lãnh ngân hàng; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác.
Phạm vi hoạt động của công ty tài chính bị giới hạn hơn, vì công ty tài chính chỉ được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng, trừ các hoạt động tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.
Mặc dù phạm vi hoạt động nhỏ hơn ngân hàng, nhưng công ty tài chính cũng chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Mức lãi suất cho vay mà các công ty này được áp dụng lại khá thoáng, không chịu trần lãi suất.
Đại diện các công ty tài chính đều lý giải, việc công ty tài chính áp dụng lãi suất cao hơn hẳn so với ngân hàng là do rủi ro đối với việc cho vay từ công ty tài chính lớn hơn, do thủ tục đơn giản hơn.
Mức lãi suất cơ bản được các công ty tài chính áp dụng hiện nay là hơn 20%/năm, tùy thuộc vào loại hình vay. Nếu có đủ chứng minh thu nhập, lãi suất khoảng 1,75-2%/tháng, trong khi chỉ có thẻ căn cước và hộ khẩu, lãi suất có thể lên đến hơn 3%/tháng. Như vậy, lãi suất tính theo năm dao động trong khoảng 21%/năm đến gần 40%/năm.
Chẳng hạn như trên website của Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT) mức vay tối đa mà công ty này duyệt vay là 70 triệu đồng. Chị Nguyễn Thu Trang (khu chung cư Imperia Garden, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, chị đã từng đăng ký khoản vay 50 triệu đồng từ FE CREDIT trong 5 tháng.
Ngay sau khi hoàn thành thông tin theo yêu cầu, chị được thông báo người vay sẽ phải trả mỗi tháng là 11.548.740 đồng, tức là mức tiền lãi áp dụng mỗi tháng sẽ là 1.548.740 đồng, tương đương với lãi suất khoảng 3,7%/tháng. Rõ ràng, đây là mức lãi suất khá cao cho người vay. Nếu so với lãi suất ngân hàng thì quá chênh lệch nên chị Trang đã kịp xóa yêu cầu vay từ FE CREDIT.
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, các quy định hiện nay và trong một số trường hợp, các ngân hàng, tổ chức tài chính có thể cho vay với lãi suất thỏa thuận cao hơn 20%/năm. Tuy nhiên, để tránh trường hợp người dân, nhất là những người không có đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng, bị lạm dụng, lợi dụng cho vay nặng lãi, cần thiết phải có hành lang pháp lý cho việc quản lý các đơn vị này, tránh tình trạng cho vay với lãi suất cao, ngang với lãi suất tín dụng “đen”.
Ngoài ra, cần thiết phải áp dụng mức lãi suất “trần” đối với các công ty tài chính, để các công ty này không thể “lách” quy định và áp mức lãi suất quá bất hợp lý đối với người vay. Bởi trên thực tế, có những công ty tài chính đưa ra mức lãi suất lên tới 70%/năm.
Rõ ràng, công ty tài chính cần phải được quản lý chặt chẽ hơn, nhưng bản thân người vay tiền cũng cần phải tìm hiểu rõ điều khoản vay để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Người vay không nên đồng ý vay tiền mà chưa nắm rõ mức lãi suất chính xác mình phải trả là bao nhiêu, để đến khi biết phải trả mức lãi “cắt cổ” thì đã muộn.
Đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, cơ quan này đã có văn bản chấn chỉnh và thời gian tới sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính tiêu dùng, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải rà soát quy trình cấp tín dụng, tăng cường tập huấn, đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ.
Hà LinhĐại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.