Chống dịch COVID-19 kiểu 'phép vua thua lệ làng'

Địa phương
02:47 PM 27/09/2021

Ngày 17/9, tỉnh Hậu Giang thực hiện việc nới lỏng giãn cách xã hội tại 7 huyện, thị xã, thành phố, chỉ còn thị xã Long Mỹ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong văn bản hướng dẫn thực hiện của UBND tỉnh, xe vận chuyển từ ngoài tỉnh phải có bãi trung chuyển, tập kết lên xuống hàng. Hàng hóa phải được khử khuẩn, tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 không quá 72 giờ. Trong trường hợp đặc biệt vận chuyển hàng hóa đi thẳng vào địa bàn phải có địa chỉ cụ thể, được cấp có thẩm quyền cho lưu thông, tài xế và người đi cùng không được xuống xe, giao hàng xong phải quay về bãi tập kết hoặc nơi xuất phát.

Hậu Giang: Chống dịch COVID-19 kiểu 'luật vua thua lệ làng' - Ảnh 1.

Chốt kiểm soát dịch đường trên Tỉnh lộ 925.

Riêng đối với việc đi lại, giao thương, ông Đồng Hoàng Dũng - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, dù địa phương đã nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15+ (Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ) nhưng vẫn siết chặt việc đi lại. Theo đó, trong nội ô huyện, thị, xã, phường, thị trấn là vùng xanh được phép lưu thông qua lại. Còn lưu thông liên huyện phải có giấy đi đường hoặc giấy tờ chứng minh lý do đi được cấp có thẩm quyền xác nhận.

Vừa qua, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị nhận được phản ánh của người dân, ông Q.L sinh sống tại phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ di chuyển về địa bàn xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành (Hậu Giang) để mang thuốc cho người nhà đang bị bệnh. Đến chốt kiểm soát dịch bệnh xã Đông Thạnh, ông Q.L nêu rõ lý do giao thuốc tại chốt kiểm dịch chứ không về thẳng đến nhà. Tuy nhiên, yêu cầu của ông Q.L bị cán bộ trực chốt từ chối, không giải quyết.

Ông Q.L bức xúc cho biết: "Ba tôi trên 80 tuổi bị bệnh, rồi cô em gái cũng mới xuất viện 1 tuần nay, theo quy định em gái tôi đang cách ly tại nhà không đi ra ngoài mua thuốc được. Tôi mang thuốc từ Cần Thơ về cho người nhà và nói rằng sẽ có người nhà ra chốt nhận thuốc mà mấy anh trực chốt không cho và nói rằng muốn đi phải có ngày, có giờ. Bệnh mà cũng phải đợi đúng ngày, đúng giờ mới được bệnh sao? 

Thật lạ, người ta bệnh mà kêu đợi ngày giờ. Nếu như các anh không cho qua cũng được tôi chấp nhận, nhưng mà cách xử lý những trường hợp cấp bách được "ưu tiên" như thế này thì không thỏa đáng. Chúng ta đều biết người dân chỉ thật sự ra đường khi có nhu cầu thiết yếu. Thì bây giờ người nhà tôi bệnh, tôi mới ra đường đem thuốc về, chứ nếu không có lý do thì hà cớ gì tôi phải chạy cả chục cây số như này. Tôi cảm thấy đau lòng vì người nhà bị bệnh mà không có cách nào đưa thuốc về hết".

Trao đổi vấn đề này với Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Hậu Giang - Nguyễn Thị Minh Nguyệt, bà Nguyệt khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại, tinh thần phòng chống dịch COVID-19 gắn với việc nới lỏng các quy định đi lại, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là cho phép được giao hàng tại chốt, giải quyết các yêu cầu của người dân không được cứng nhắc. Với trường hợp giao hàng tại chốt sẽ có những loại hàng bắt buộc xịt khử khuẩn, sao đó để lại tại chốt và người nhà ra nhận. 

Người nhận và người giao không mặt tiếp xúc trực tiếp để an toàn trong công tác phòng chống dịch. Công tác kiểm soát dịch bệnh đã được tỉnh quán triệt với các địa phương và các chốt. Tuy nhiên, với trường hợp này, cán bộ trực chốt đã quá cứng nhắc. Sở Y tế sẽ thông báo với Ban chỉ đạo phòng chống dịch để đề nghị UBND huyện Châu Thành kiểm tra, nhắc nhở các cán bộ trực chốt, tạo điều kiện an toàn cho người dân vận chuyển hàng hóa thiết yếu, thuốc men...

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Châu Thành cho biết: Việc giao nhận hàng hóa tại chốt đã được huyện Châu Thành quán triệt và tiến hành bình thường. Chúng tôi sẽ kiểm tra và chấn chỉnh nếu có các trường hợp cán bộ vận hành quá cứng nhắc, vô tình hạn chế các nhu cầu bức thiết của nhân dân.

Hậu Giang cũng đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đối với trường hợp người ngoài tỉnh vào Hậu Giang hoặc người Hậu Giang ra khỏi tỉnh trở về sẽ bị cách ly riêng. Đối với người đã tiêm hai mũi, trong đó mũi 2 từ 14 ngày trở lên thì cách ly 7 ngày, còn những người chưa tiêm hoặc chỉ mới tiêm một mũi thì cách ly 14 ngày.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.