Chống thất thu thuế, Hà Nội sẽ thanh tra chuyển nhượng đất

Địa phương
09:12 AM 12/01/2024

Để tăng nguồn thu cho ngân sách từ sử dụng đất, trong thời gian tới, Cục Thuế thành phố Hà Nội sẽ tập trung thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, nhất là đối với việc chuyển nhượng bất động sản.

Năm 2023, theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, toàn thành phố thu được 14.650 tỷ đồng tiền sử dụng đất, thấp hơn dự toán thu của năm 2023 là 17.000 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch, khoản thu thuế từ tiền sử dụng đất chưa đạt như dự toán.

Chống thất thu thuế, Hà Nội sẽ thanh tra chuyển nhượng đất- Ảnh 1.

Hà Nội sẽ thanh tra chuyển nhượng đất để chống thất thu thuế. Ảnh: VnBusiness

Theo UBND TP. Hà Nội, việc này xuất phát từ việc thị trường bất động sản còn trầm lắng. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giảm doanh thu, số thuế phải nộp do không có thêm các dự án mới, sản phẩm mới và sản lượng tiêu thụ sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách gia hạn, miễm giảm thuế, phí, tiền thuê đất,… theo quy định của Trung ương cũng khiến cho số tiền thu được từ thuế sử dụng đất giảm đáng kể.

Ngoài ra, công tác tổ chức đấu giá tiếp tục gặp nhiều khó khăn do vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, giải phóng mặt bằng, giao đất,… Theo đó, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố rơi vào cảnh thực hiện các cuộc đấu giá đất bất thành. Điển hình nhất có thể kể đến huyện Thanh Oai với 9 lần tổ chức đấu giá sử dụng đất nhưng chỉ có 2 lần thành công.

Việc xác định giá đất gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về chính sách, thủ tục đấu giá đất còn phát sinh thủ tục hành chính (chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án trên 2 ha phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội)..., dẫn đến nguồn thu từ đấu giá đất đạt thấp.

Thêm vào đó, Cục Thuế Hà Nội cho biết, hiện nay vẫn còn hiện tượng chuyển nhượng bất động sản “2 giá”, tức là kê khai để nộp thuế thấp hơn so với giá trị thực của giao dịch bất động sản.

Về nhiệm vụ hoàn thành thu thuế tiền sử dụng đất trong năm 2024, Hà Nội xác định nguồn thu từ đất là nguồn lực chính đầu tư của các quận, huyện, thị xã. Do đó, UBND thành phố đã yêu cầu Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị để tổng hợp số liệu liên quan đến khả năng đấu thầu, đấu giá của 30 quận, huyện, thị xã từ nguồn thu từ đất.

Các quận, huyện, thị xã cần chủ động đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện các thủ tục điều chỉnh phương án đấu giá quyền sử dụng đất cho "đối tượng tham gia là tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư" sang "đối tượng tham gia là hộ gia đình, cá nhân" trong trường hợp đã tổ chức đấu giá không thành hoặc mời đấu giá từ 2 lần trở lên, nhưng không có người tham gia, đảm bảo phù hợp với nhu cầu của thị trường; sớm đưa đất vào sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Song song đó, thành phố cũng chỉ đạo, chính quyền các quận, huyện, thị xã khẩn trương phối hợp với cơ quan thuế hoàn thành việc thu tiền trúng đấu giá; hủy kết quả trúng đấu giá đối với các cá nhân, tổ chức trúng đấu giá không nộp tiền đủ và đúng thời hạn theo quy định.

Để tăng nguồn thu cho ngân sách từ sử dụng đất, trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, nhất là đối với việc chuyển nhượng bất động sản… Đây cũng là động lực nhằm góp phần cải thiện tích cực cho công tác thu ngân sách.


Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050 ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050

Theo ADB, dự kiến số người từ 60 tuổi trở lên ở Châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển sẽ tăng gần gấp đôi lên tới 1,2 tỷ người vào năm 2050—tương đương một phần tư dân số—làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.